Công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT

Chia sẻ
(VOV5) -Hiệp định VPA/FLEGT sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/6/2019.

Sáng 8/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội tổ chức họp công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Theo đó, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/6/2019.

Ngày 15/4/2019, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm cho Phái đoàn Việt Nam tại Brusels, thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam sau khi Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/3/2019. Ngày 23/4/2019, Chính phủ Việt Nam có Nghị quyết phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU.

Công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT - ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn (trái), Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala (giữa), Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet (phải) tại buổi họp. Ảnh TTXVN

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác. 

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội đã chia sẻ Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á mà EU đã ký kết Hiệp định này, sau Indonesia. Từ sau khi Indonesia triển khai cấp giấy phép FLEGT, đồ gỗ nước này đã có sự tăng trưởng mạnh tại EU so với trước đây. Đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ khi Hiệp định này được thực thi, bởi Việt Nam đang có nguyên liệu rừng trồng cũng như nhập khẩu lớn, ổn định.  Ông Bruno Angelet cho biết, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Hệ thống VNTLAS và cấp phép FLEGT.

Feedback