Sáng nay, 27/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), kiêm cố vấn đặc biệt của nội các Chính phủ Nhật Bản, đang ở thăm Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi cho biết, tại các cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) vào năm ngoái, Nhật Bản đã đề xuất sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC); nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) cũng đang tập trung triển khai sáng kiến về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh chuyến thăm và làm việc của ông Meadea Tadashi. Ảnh: VOV |
Để triển khai JETP, JBIC cam kết khoản hỗ trợ 300 triệu Euro qua Ngân hàng Vietcombank. Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này, phía Nhật Bản mong muốn Việt Nam sớm thành lập nhóm công tác chung triển khai AZEC. Với vị trí địa lý rất quan trọng của Việt Nam, theo Chủ tịch JBIC, Nhật Bản và Mỹ, Australia cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã thành lập khuôn khổ để hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.
Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục đích chuyển đổi năng lượng ở bất kì quốc gia nào cũng nhằm đảm bảo đặt an ninh năng lượng lên hàng đầu. Đồng ý với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản về việc cần thành lập nhóm công tác chung là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cử các Đại biểu Quốc hội để tham gia nhóm. Chủ tịch Quốc hội hy vọng sáng kiến AZEC sẽ sớm được triển khai tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: VOV |
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai nước nên có những hợp tác thực chất để duy trì, gây dựng phát triển những chuỗi cung ứng mang tính chiến lược. Trong đó, chuỗi cung ứng về năng lượng rất quan trọng. Bên cạnh đó, hai nước có nhiều tiềm năng trong phát triển điện sinh khối; hợp tác trong chuỗi cung ứng dự án liên quan đến năng lương khí; hợp tác phối hợp phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời thích hợp với biến đổi khí hậu của Việt Nam và châu Á.