Chính phủ và các chuyên gia quan tâm đến vấn đề sạt lở và an ninh nguồn nước sông Mekong

Chia sẻ
(VOV5) -  Ngày 29/05), tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn. 

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển kinh tế của cả nước, đồng thời chỉ rõ thực trạng hiện nay khu vực này đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, các bộ ngành trung ương phải nắm chắc từng diễn biến sạt lở, ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra để  bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; gia cố khu vực sạt lở, bảo vệ rừng phòng hộ và hoàn thành phương án xử lý khẩn cấp các khu vực bị sạt lở. Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức người dân với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống bị sạt lở.

Chính phủ và các chuyên gia quan tâm đến vấn đề sạt lở và an ninh nguồn nước sông Mekong - ảnh 1
ạt lở do mất ổn định bờ đã gây hậu quả nghiêm trọng một số địa phương vùng ĐBSCL. 

Cùng ngày, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mekong và câu chuyện ở Đồng bằng sông Cửu Long – Việt Nam”  được tổ chức tại Cần Thơ.

Thông điệp được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đưa ra tại Hội thảo lần này là “Hãy chung tay cứu lấy dòng sông Mekong và nông dân của chúng ta”. Nhiều vấn đề, những góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu sông Mekong gây ra được các nhà khoa học trình bày và phân tích. Trong đó, vấn đề đáng báo động là ĐBSCL ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên, cho rằng: "Tất cả mọi người sống trong khu vực hiện nay cùng chia sẻ mối quan tâm, số phận chung. Trong đó, có việc chúng ta sẽ sử dụng nguồn nước dòng sông mẹ Mekong thế nào, sử dụng đảm bảo an toàn về mặt môi trường, xã hội ra sao. Những vấn đề này không chỉ cho thế hệ hiện nay mà cho cả các thế hệ trong tương lai".

Feedback