Cần hành động sớm để chuyển đổi năng lượng xanh mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam nhưng cần hành động sớm, là một trong số phát hiện chính từ Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2024.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Chuyển đổi năng lượng xanh hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chuyển đổi xanh của Việt Nam. Vì vậy, báo cáo "Triển vọng năng lượng Việt Nam – đường đến phát thải ròng bằng 0" đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả và khu vực tư nhân của Việt Nam.

Cần hành động sớm để chuyển đổi năng lượng xanh mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam - ảnh 1Ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng kế hoạch – quy hoạch Cục điện lực và năng lượng Việt Nam thông tin tại buổi Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Ảnh: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam.

Trong thông tin tổng quan về ngành năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng kế hoạch – quy hoạch Cục điện lực và năng lượng Việt Nam cho biết: Ngành năng lượng là nguồn ô nhiễm không khí chính hiện nay. Theo cơ quan Năng lượng quốc tế, gần như toàn bộ lượng khí thải SO2, NoX và khoảng 85% bụi đến từ ngành năng lượng, chủ yếu từ quá trình đốt than và dầu. Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe là một chủ để nổi cộm ở Việt Nam. Bởi vậy, chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách then chốt cho phát triển năng lượng bền vững với bốn trụ cột chính là: tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, thị trường năng lượng và biến đổi khí hậu.

Việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam nhưng cần hành động sớm, là một trong số phát hiện chính từ Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2024 vừa được công bố. Báo cáo do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch DEA và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn.

Ngoài ra, Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý: Để đạt mức phát thải đỉnh CO2 vào năm 2030, công suất mới trong ngành điện cần chủ yếu đến từ nguồn điện mặt trời và điện gió trước năm 2030.

Tăng trưởng xanh trong các ngành công nghiệp và dịch vụ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh: do chuyển dịch tăng trưởng kinh tế từ các ngành có cường độ sử dụng năng lượng cao sang các ngành có giá trị cao

So với các ấn phẩm trước đây, Báo cáo xem xét và phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội trong các tình huống khác nhau cho Việt Nam trong tình hình mới.

Cần hành động sớm để chuyển đổi năng lượng xanh mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam - ảnh 2Ông Kristoffer Bottzauw, Cục trưởng Cục năng lượng Đan Mạch chia sẻ với báo chí về những nét chính trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Ảnh: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam

Ông Kristoffer Bottzauw, Cục trưởng Cục năng lượng Đan mạch cho biết: "Mục đích của Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam là cung cấp cho những người ra quyết định và các nhà quy hoạch hệ thống năng lượng ở Việt Nam kiến thức sâu rộng hơn về các lựa chọn công nghệ và các hành động chính sách được khuyến nghị, để đạt được sự chuyển đổi xanh bền vững của ngành năng lượng một cách tiết kiệm chi phí. Quá trình chuyển đổi xanh của ngành năng lượng mang lại hiệu quả về mặt chi phí và khả thi về mặt kỹ thuật đối với Việt Nam ngay cả khi không tính đến các mục tiêu về khí hậu.

Tất cả các kịch bản phân tích đều cho thấy quỹ đạo phát thải tối ưu về mặt chi phí, với tổng lượng phát thải từ hệ thống năng lượng đạt đỉnh vào năm 2030. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thay đổi hướng đi theo quỹ đạo phát triển bền vững trong thập kỷ này.Chúng tôi cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng xanh trong Báo cáo và minh họa sự phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế dựa vào dịch vụ và ít tiêu tốn năng lượng hơn bắt đầu từ năm 2030. Phân tích cho thấy tổng chi phí hệ thống có thể giảm 13% so với kịch bản cơ sở."

Khuyến nghị nhấn mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng các ngành sử dụng nhiều năng lượng sẽ giúp đạt được tăng trưởng xanh và hiệu quả hơn về chi phí. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả là lựa chọn giúp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không hiệu quả về chi phí. Đặc biệt, tích hợp năng lượng tái tạo trong ngành điện là điều kiện cần cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành giao thông vận tải.

Cần hành động sớm để chuyển đổi năng lượng xanh mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam - ảnh 3Ông Ramus Munch Sorensen, thành viên chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP3) trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam

Ông Ramus Munch Sorensen, thành viên chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP3) nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng đây sẽ là một quá trình chuyển đổi khó khăn đối với Việt Nam,đặc biệt là quá trình chuyển đổi trong ngắn hạn, khi chúng tôi khuyến nghị đầu tư rất lớn vào năng lượng tái tạo trước năm 2030. Vì vậy, dựa trên kinh nghiệm chúng tôi có được từ Đan Mạch, chìa khóa là đầu tư vào năng lượng tái tạo."

Cũng theo ông Ramus Munch Sorensen, các nhà đầu tư hay hoạch định chính sách cần có niềm tin và cần có cái nhìn xa hơn về nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng khi vận hành, hệ thống này lại tiết kiệm chi phí tối đa.

Báo cáo Triển vọng năng lượng cũng bao gồm khuyến nghị đảm bảo an ninh cung cấp điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Báo cáo cho thấy, trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo 3 nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo khuyến nghị rằng Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải  

Khuyến nghị về giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải nhấn mạnh việc cần nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng để giảm tác động đến khí hậu và môi trường một cách hiệu quả về chi phí; Quy hoạch cơ sở hạ tầng cần thiết cho điện hóa ngành giao thông vận tải…

Ông Kristoffer Bottzauw, Cục trưởng Cục năng lượng Đan Mạch nhấn mạnh: Để có một ngành công nghiệp hiệu quả về chi phí và sử dụng ít năng lượng hơn, Báo cáo cũng khuyến nghị điện hóa tất cả các quá trình công nghiệp khi công nghệ sẵn sàng; tập trung chuyển đổi nhiên liệu của các phân ngành công nghiệp phát thải cao.

Feedback