Theo các chuyên gia kinh tế đây là cơ hội để tái cấu trúc sản xuất và chuyển dịch thị trường xuất nhập khẩu. Sau đại dịch, thị trường sẽ có sức bật mới, kinh tế sẽ tăng tốc trở lại nếu có những giải pháp tốt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố chỉ đạo tiếp tục phòng chống quyết liệt dịch bệnh song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định:. “Chúng ta rà soát lại những mặt hàng nhập khẩu lâu nay là sản phẩm trung gian, nếu có nguồn gốc địa phương thì đẩy mạnh sản xuất nhiều hơn. Phối hợp với các nước đối tác chủ yếu là thương mại, du lịch và đầu tư… Mở cửa hoạt động kinh tế với từng nước, từng thời điểm phù hợp, trước mắt từ tháng 5 đến tháng 12. Chúng ta làm từng nước, ngắn hạn trong ASEAN thì 5-6 nước chúng ta có thể mở cửa giao lưu trở lại được.”
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần có 2 chương trình và nhiều gói hỗ trợ. Trong đó, chương trình ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và chương trình tái cấu trúc lại sản xuất kinh doanh thời gian dài hạn hơn. Thành phố đặc biệt chú ý hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chiếm đến 97% trong tổng số doanh nghiệp của thành phố.
Tiến sĩ Hồ Đức Hùng cho rằng: “Chúng ta hình thành bộ tiêu chí về hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta có phân chia ra theo đối tượng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể để hỗ trợ. Chúng ta phân ra đối tượng nào yếu thế, đối tượng nào nợ vốn, thiếu tài chính… để hỗ trợ cụ thể chứ không hỗ trợ chung chung.”
Trong khi đó. Thành phố Hà Nội cũng đang hỗ trợ khoảng 3600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp; Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ.
Tại Bạc Liêu, tỉnh tập trung thực hiện các dự án đầu tư công nhằm góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt làm tăng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỉnh cũng thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo vùng, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.