Hiện nay, Bình Dương có gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động nên nhu cầu về nhân lực rất lớn. Để đào tạo nghề "trúng" nhu cầu doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đào tạo một cách hiệu quả thì cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ từ phía doanh nghiệp. Thiên Lý, phóng viên thường trú tại TP.HCM có bài viết về vấn đề này:
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo để kết nối giữa doanh nghiệp và trường nghề. |
Nghe âm thanh tại đây:
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore ở Bình Dương hiện đang đào tạo 12 ngành nghề với 2.700 học sinh, sinh viên. Từ nhiều năm nay, trường được xem là "lò" đào tạo kỹ sư điện, cơ khí cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Để xây dựng được thương hiệu, trường đã khảo sát nhu cầu thực tế, sau đó điều chỉnh ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Ngoài đào tạo theo ngành nghề cố định, trường cũng nhận dạy ngắn hạn theo nhu cầu của doanh nghiệp với sự tham gia giảng dạy của các kỹ sư trong doanh nghiệp.
Ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam– Singapore, cho biết, sự đón nhận của doanh nghiệp là thước đo sự thành công trong công tác đào tạo nghề. Nhà trường luôn cập nhật nhu cầu và đổi mới đào tạo và đã kêu gọi được 6 doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh, đào tạo: “Khi tuyển sinh doanh nghiệp sẽ phỏng vấn, nhận học sinh đầu vào và tài trợ gần như toàn bộ học bổng nên người học không đóng học phí. Với cách làm này, doanh nghiệp cùng với trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Trong quá trình đào tạo từ 2,5 đến 3 năm, tùy theo chương trình, học sinh sẽ được học tại trường và doanh nghiệp”.
Với phương châm đào tạo “nhà trường là nền tảng - doanh nghiệp là cơ sở thực hành”, nhiều năm qua, trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã liên kết được nhiều doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập. Thay vì những bài học chỉ nằm trong sách vở thì nay các em được thực hành trên máy móc, thiết bị hiện đại nên không còn bỡ ngỡ khi rời ghế nhà trường. Nhờ vậy, 96% sinh viên của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong đó 90% là làm đúng chuyên ngành.
Đồng thời, hàng năm, nhà trường yêu cầu giảng viên phải nâng cao trình độ thông qua việc tham gia các khóa tập huấn, xuống doanh nghiệp trải nghiệm thực tế. Tiến sĩ Đỗ Việt Dũng, Trưởng khoa Khoa Công nghệ điện, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An nói: “Giáo viên xuống doanh nghiệp và làm như một kỹ thuật viên tại nhà máy. Từ đó, giúp giáo viên tự tin hơn với kiến thức của mình. Kiến thức học được ở nhà má là kiến thức thực tế nhất nên khi giáo viên truyền lại cho sinh viên giúp các em khi đến doanh nghiệp bản thân không bỡ ngỡ”.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường nghề ở Bình Dương nỗ lực "chuyển mình" để bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Việc các cơ sở dạy nghề đổi mới trong công tác giảng dạy không chỉ giúp học sinh, sinh viên ra trường nhanh chóng có việc làm mà còn giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đào tạo, chủ động phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Thấy được lợi ích đó, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động liên kết với trường nghề để đào tạo, hỗ trợ học bổng để học viên có thêm điều kiện học tập.
Sinh viên trường nghề ở Bình Dương học tập thêm kiến thức tại các doanh nghiệp. |
Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc nhân sự Công ty Golf Sông Bé, cho biết, doanh nghiệp khi tuyển dụng đều cần người có cả 3 yếu tố kiến thức- kỹ năng- thái độ làm việc. Công ty đã tạo điều kiện để các trường đưa sinh viên xuống thực tập, qua đó lựa chọn và tuyển dụng, không phải mất thời gian đào tạo lại: “Kiến thức nhà trường đã đào tạo rồi nhưng các bạn chưa đi làm thì chưa phát triển được 2 yếu tố còn lại nên việc phát triển kỹ năng, thái độ làm việc là được tham gia thực tập. Tôi nghĩ là các trường nên đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp nhiều hơn để tạo điều kiện cho các em đi thực tập, kiến tập. Khi các em vào doanh nghiệp được cọ xát với những công việc thực tế thì sẽ phát triển kỹ năng của mình”.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề như vậy chưa nhiều. Hiện nay, Bình Dương có gần 60.000 doanh nghiệp, nhu cầu về nhân lực rất lớn. Các doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng được đội ngũ nhân lực có tay nghề, có trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu công việc nhưng lại chưa xem trách nhiệm đào tạo cũng là của mình.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, chính quyền cần có những giải pháp để doanh nghiệp và trường nghề gặp nhau, hỗ trợ nhau trong đào tạo và tuyển dụng lao động. Mặt khác, Sở cũng đã có những văn bản đề nghị doanh nghiệp kết hợp đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng: “Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức hội nghị, cũng như có văn bản hướng dẫn, định hướng cho doanh nghiệp phải chủ động hơn trong công tác kết nối với cơ sở đào tạo. Trong quy định của pháp luật lao động là hàng năm doanh nghiệp phải chuẩn bị một phần kinh phí để đào tạo, đào tạo bổ sung cho người lao động, do đó chúng tôi sẽ hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật để đảm bảo sao cho người lao động có kỹ năng tay nghề ngày càng hoàn thiện hơn”
Tính đến nay, Bình Dương có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 7 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, 1 phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề. Đẩy mạnh liên kết trong đào sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực sát với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, do đó Bình Dương mong muốn các doanh nghiệp đồng hành để cùng định hướng chiến lược đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả.