ASOSAI 14: Việt Nam phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Vĩnh Phong
Chia sẻ

(VOV5) - Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc đã trở thành chiến lược phát triển của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chương trình Nghị sự gồm 17 mục tiêu xoay quanh 03 trụ cột là Kinh tế - Xã hội - Môi trường, trong đó có 04 mục tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường. Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững,  trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp, cùng thực hiện đồng bộ để đảm bảo sự thành công của Chương trình. Kết quả cho thấy, tốc độ tăng trưởng cao, các cân đối của nền kinh tế được giữ vững, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn, từng bước giải quyết thành công các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của các ngành nói riêng.

ASOSAI 14: Việt Nam phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường - ảnh 1 Các đại biểu tham dự Đại hội -.Ảnh: baovanhoa.vn

Đối với Kiểm toán Nhà nước  Việt Nam, thông qua hoạt động kiểm toán môi trường, đã thực hiện vai trò đánh giá, giám sát, kịp thời phát hiện ra những bất cập, hạn chế và đưa ra những kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên môi trường, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, cho biết: Kể từ 1994 đến nay, kiểm toán nhà nước  đã thực hiện một số cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường như: Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; kiểm toán môi trường nước lưu vực sông Mekong; Kiểm toán công tác khai thác khoáng sản tại các địa phương; Kiểm toán công tác quản lý và xử lý môi trường tại các Khu công nghiệp trong cả nước;... Kết quả kiểm toán đã góp phần sửa đổi cơ chế chính sách nhằm quản lý môi trường tốt hơn, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. 

ASOSAI 14: Việt Nam phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường - ảnh 2 Ông Nguyễn Quang Thành - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. - Ảnh: TTXVN

Thông qua kiểm toán,việc tham gia các khóa đào tạo, hội thảo trao đổi kinh nghiệm và các hoạt động liên quan về kiểm toán môi trường trong cộng đồng kiểm tóan quốc tế và khu vực, kiểm toán nhà nước đã có thêm kinh nghiệm và chủ động áp dụng triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán về chủ đề nước thải công nghiệp. Kết quả kiểm toán được cộng đồng người dân ủng hộ và đánh giá cao.

 Để phát huy tốt vai trò của kiểm toán nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới, kiểm toán nhà nước đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán chiến lược và Kế hoạch kiểm toán hàng năm trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Chính phủ, của các địa phương, đặc biệt chú trọng vấn đề nước thải, khí thải và biến đổi khí hậu. Kiểm toán nhà nước cũng tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường, đặc biệt tăng cường kiểm toán trong hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán, kiểm toán  nhà nước chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán môi trường. Đồng thời chú trọng đến việc tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán từ khâu lập kế hoạch đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy trình, chuẩn mực của kiểm toán nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế: Đối với cấp  quốc gia: Việt Nam thực hiện nghiêm định hướng “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào”. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường đến toàn bộ hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân và cả hệ thống chính trị về  bảo vệ môi trường. Đồng thời lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của của các Bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành,... để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển nhanh bền vững.

Nhân dịp tổ chức Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) và Lễ kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI, Việt Nam tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI. Từ đó phát triển năng lực của các thành viên, chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lựcthông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và phát triển bền vững.

Feedback