Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong điều tra phòng vệ thương mại

Chia sẻ
(VOV5) - Việc công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập, mở rộng thị trường.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hôm nay (23/7), cho biết trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quốc gia này sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. 
Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong điều tra phòng vệ thương mại - ảnh 1Bốc xếp sản phẩm thép xây dựng tại Cty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường - Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Việc công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập, mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Đặc biệt, môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tính đến nay, 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó, có nhiều đối tác thương mại quan trọng. 

Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của Nhà nước với quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước với yếu tố sản xuất, như: vốn, lao động. Quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.

Feedback