Triển vọng phát triển năng lượng tái tạo từ hợp tác quốc tế

CTV Thủy Tiên
Chia sẻ
(VOV5) - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) là một trong những ví dụ của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và đã đạt được những thành tựu đóng góp cho ngành Năng lượng sạch của Việt Nam.

(VOV5) - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) là một trong những ví dụ của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và đã đạt được những thành tựu đóng góp cho ngành Năng lượng sạch của Việt Nam.


Kể từ sau khi Bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu được chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris, Việt Nam cho thấy quyết tâm mạnh mẽ và tiềm năng trong khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo. Không chỉ có sự vào cuộc của tất cả bộ, ban, ngành trong cả nước, sự hỗ trợ và hợp tác từ cộng đồng quốc tế đã đóng góp không nhỏ giúp Việt Nam từng bước thực hiện cam kết của mình. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) là một trong những ví dụ của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và đã đạt được những thành tựu đóng góp cho ngành Năng lượng sạch của Việt Nam. Để rõ hơn về hoạt động và vai trò của CleanED, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Năng lượng của CleanED.




Triển vọng phát triển năng lượng tái tạo từ hợp tác quốc tế - ảnh 1
TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh

Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) đã có những hoạt động gì nổi bật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho Việt Nam?


TS Hoàng Anh: Nhiệm vụ chính của Trung tâm CleanED là thúc đẩy phát triển trên lý thuyết về 3 mảng. Mảng thứ nhất là lưới điện thông minh và việc sử dụng hiệu quả năng lượng. Mảng thứ hai là về năng lượng sinh học Bio-mass, Bio-gas. Mảng thứ ba là Kinh tế năng lượng, quy hoạch năng lượng và chính sách về năng lượng.


Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu thì phòng thí nghiệm cũng có rất nhiều hợp tác trong và ngoài nước về phát triển những dự án liên quan đến việc thúc đẩy nhiều hơn nữa việc sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam. Việc liên kết với các nước, các tổ chức phi chính phủ hay các viện nghiên cứu và bộ ban ngành trong nước đã giúp nhiều trong những hợp tác tìm hiểu những vấn đề khoa học và đưa ra lời khuyên để có thể sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn trong tương lai.


Phóng viên:
Ông có thể cho biết một vài dự án thành công của CleanED?


TS Hoàng Anh:
Trong lĩnh vực Năng lượng, gần đây nhất, phòng thí nghiệm có tham gia cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) để tổ chức “Tuần lễ năng lượng tái tạo” đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2016 ở Cần Thơ và Hà Nội. Trong tuần lễ đó, chúng tôi đã tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và hướng phát triển các dự án nhiều hơn nữa cho các cộng đồng ở các vùng sâu và vùng nông thôn. Theo tôi, đó là một thành tựu đáng khích lệ vì chúng ta thấy được sự kết hợp giữa các đơn vị nghiên cứu cùng các đơn vị thực hiện để có những dự án đem lại hiệu quả cao cũng như tiếng nói có tiếng vang hơn cho cả cộng đồng dân cư và những nhà hoạch định chính sách.


Phóng viên:
Thưa ông, trong việc hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là Pháp, ông thấy sự hỗ trợ của Pháp có vai trò như thế nào trong quá trình nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam?


TS Hoàng Anh:
Thực tế đây là trường Đại học Việt - Pháp, gần như 100% giảng viên đều đã học tiếng Pháp hoặc từ Pháp trở về và khoảng 50% giáo viên, đặc biệt hệ thạc sĩ đều là người từ Pháp sang. Tất cả các vị trí lãnh đạo đều là người Pháp. Đây chính là sự thuận lợi. Mọi việc đều thuận lợi nên mới tạo ra một hệ thống đan xen hài hòa giữa Pháp và Việt Nam đến vậy.


Đặc biệt về lĩnh vực năng lượng tái tạo thì hiện nay Pháp cũng đang có nhiều dự định và thể hiện ở ngay tại phòng thí nghiệm với tất cả các cơ sở vật chất, không chỉ ở đây mà còn ở trường Bách Khoa và một số trường khác… Đồng thời Pháp cũng tài trợ cho một số trường trong cộng đồng Pháp ngữ để phát triển bền vững cho Việt Nam.


Phóng viên:
Xin cảm ơn ông!

Feedback