Tận dụng cơ hội bằng việc gắn kết các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Làm thế nào để phát triển bền vững vẫn là một bài toán đối với các doanh nghiệp kiều bào tại Châu Âu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

(VOV5) - Làm thế nào để phát triển bền vững vẫn là một bài toán đối với các doanh nghiệp kiều bào tại Châu Âu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp đề cập việc gắn kết các doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu để tận dụng các cơ hội trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Tận dụng cơ hội bằng việc gắn kết các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu - ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


P/viên: Thưa ông, ông có thể đưa ra những đánh giá về tình hình đầu tư kinh doanh cũng như những cơ hội của các doanh nghiệp Việt kiều khu vực Châu Âu trong giai đoạn hiện nay?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Thời điểm hiện nay kinh tế của châu Âu nói chung đang gặp tương đối khó khăn. Ví dụ tình hình ở Nga và Ucraina khó khăn. Các nước EU đang trong quá trình phục hồi kinh tế nhưng tăng trưởng chưa rõ nét. Nhưng chính những khó khăn đó lại xuất hiện những cơ hội. Hiện nay kinh tế Nga hiện đang bị các nước phương tây cấm vận. Nga phải đi tìm các nguồn nguyên nhiên liệu hay các đối tác mới về kinh tế. Do đó, họ sẽ hướng sang các nước châu Á đó là Trung Quốc, Việt Nam. Đây là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tính toán để làm sao có thể làm ăn và tăng cường hợp tác kinh tế với Nga. Các nước Tây Âu cũng đang cần vốn và đang kêu gọi đầu tư. Cho nên, với các doanh nghiệp Việt Nam thành đạt ở Đông Âu ví dụ như ở Ucraina thì đây lại là cơ hội  cho họ tìm chiến lược đầu tư vào các nước Tây Âu.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Với việc Việt Nam kết thúc đàm phán về Hiệp định trao đổi mậu dịch tự do với EU, việc hình thành cộng dồng kinh tế ASEAN, tất cả những yếu tố đó mở ra những triển vọng mà các doanh nghiệp ở châu Âu cần tính đến để nắm bắt các cơ hội, thâm nhập vào nền kinh tế của Việt Nam, nền kinh tế của các nước ASEAN. Cùng với đó là việc phối kết hợp, hợp tác với các doanh nghiệp ở trong nước để thâm nhập vào nền kinh tế của EU. Nhiều triển vọng được mở ra. Cho nên, nếu ta nhìn một cách tổng thể thì chúng ta thấy là bên cạnh những khó khăn cũng xuất hiện nhiều cơ hội. Nếu doanh nghiệp nào biết cách tận dụng tốt, có thể sẽ biến những khó khăn hiện nay thành những cơ hội để phát triển lên một mức cao hơn.

P/viên: Gần đây, những diễn đàn doanh nghiệp của kiều bào ta ở nước ngoài đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các doanh nhân, các đại sứ, tham tán Việt Nam ở nước ngoài mà của lãnh đạo một số ngành trong nước. Diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại Châu Âu lần thứ IX diễn ra tại Bungari vừa qua là một ví dụ. Ông nhìn nhận về điều này như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Diễn đàn doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu trải qua 9 kỳ tại một số nước khác nhau. Diễn đàn đã trở thành thương hiệu và là sân chơi chung của doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu. Thứ nhất, bản thân diễn đàn đã có tiếng vang đến các nước khác nhau ở Châu Âu. Thứ hai là thể hiện sự quan tâm của nhà nước ta đối với sự phát triển kinh tế của các doanh nghiệp ở Châu Âu với sự hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu. Nhất là trong chính sách đối ngoại của ta hiện nay thì lĩnh vực hợp tác kinh tế cũng được chú trọng rất nhiều. Ngoại giao hiện nay không chỉ là ngoại giao chính trị đơn thuần như trước kia mà ngoại giao hiện nay đặt rất nặng trọng tâm về làm sao khuyến khích thúc đẩy hợp tác kinh tế để trực tiếp phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên việc các đại sứ, tham tán thương mại tham dự diễn đàn thể hiện chính sách ngày càng coi trọng lĩnh vực kinh tế và hợp tác kinh tế để phục vụ cho phát triển đất nước, của nền đối ngoại, chính sách đối ngoại của chúng ta nói chung.

P/viên: Theo ông, các doanh nghiệp kiều bào tại Châu Âu cần làm gì để phát huy thế mạnh và tận dụng cơ hội để làm ăn thành đạt tại nước sở tại?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp của ta ở châu Âu nhìn chung là những doanh nghiệp phát triển ở quy mô nhỏ và vừa. Ít doanh nghiệp ở tầm cỡ, có quy mô lớn trên thế giới. Trong một sân chơi toàn cầu như hiện nay và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào sân chơi đó thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa không liên kết với nhau thì sẽ rất là khó đứng vững. Năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đưa được vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Pháp. Năm đầu tiên bán được 2 tấn, còn khá khiêm tốn. Sắp tới đây, tập đoàn phân phối bán lẻ Groupe Casino của Pháp, tập đoàn đã mở gần 30 siêu thị lớn ở Việt Nam dưới tên Big C, có thể sẽ xuất khẩu xoài Việt Nam vào thị trường Pháp trong bối cảnh Việt Nam ký hiệp định tự do hóa thương mại với EU. Nếu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không liên kết với nhau thì sẽ rất khó để cạnh tranh được với những tập đoàn lớn như vậy. Cho nên, tôi nghĩ điều cần thiết hiện nay là sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu. Vì chỉ có liên kết, gắn kết như vậy thì mới tăng thêm tiềm lực kể cả về chiến lược cũng như đầu tư kinh doanh cũng như về khả năng tài chính của các doanh nghiệp. Và sự gắn kết của các doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu với nhau cũng sẽ tạo ra sức mạnh không những trong làm ăn của các nước riêng lẻ ở châu Âu mà còn trong cả lục địa ở châu Âu cũng như trong hoạt động kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong nước hay là các nước ASEAN sau này. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải có gắn kết thường xuyên. Không phải mỗi năm đến kỳ diễn đàn mới giao lưu, gặp gỡ mà phải là câu chuyện diễn ra hàng ngày và liên tục thì mới có hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu nên có cơ chế thường trực, thường xuyên. Chẳng hạn có một website chung để chia sẻ thông tin, như vậy sẽ tốt hơn.

P/viên: Xin cảm ơn đại sứ.

Feedback