Quảng Ninh chuẩn bị điều kiện để vận hành khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Đến thời điểm này,  Quảng Ninh đã và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho  Khu hành chính kinh tế đặc biệt vận hành hiệu quả 

Dự án luật hành chính kinh tế đặc biệt vừa được trình và thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh cùng với Bắc Vân  Phong của tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang được Chính phủ lựa chọn để thực hiện đề án thí điểm. Đến thời điểm này,  Quảng Ninh đã và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho  Khu hành chính kinh tế đặc biệt vận hành hiệu quả khi  dự án Luật chính thức được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Phóng viên đài TNVN đã phỏng vấn bà Đỗ Thị Lan, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, thành viên đoàn giám sát về nội dung này.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

PV: Thưa bà, Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật hành chính kinh tế đặc biệt. Vân Đồn của Quảng Ninh là một trong 3 địa phương được  lựa chọn để xây dựng thí điểm. Vậy tới thời điểm này, Quảng Ninh đã chuẩn bị các điều kiện gì cho hoạt động của mô hình này?

Bà Đỗ Thị Lan: Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh thì tỉnh đã phát hiện Vân Đồn là địa bàn có nhiều tiềm năng lợi thế nổi trội và vì vậy, cần có cơ chế chính sách để phát triển.  Tỉnh Quảng Ninh đã dày công thận trọng trong việc nghiên cứu, xây dựng đề án. Trong quá  trình xây dựng Luật thì nghiên cứu các đặc khu, các mô hình kinh tế đặc biệt của các nước, đặc biệt đã có lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà kinh tế, khoa học. Vừa là xây dựng đề án, đồng thời chuẩn bị điều kiện để khi có Nghị quyết thì bắt tay xây dựng được ngay. Tỉnh đang triển khai thực hiện, thứ nhất là đánh giá về lĩnh vực kinh tế, thực trạng phát triển, nắm bắt cơ chế chính sách vượt trội cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để khi có chính sách thì  Quảng Ninh xúc tiến đầu tiên. Tỉnh liên hệ quảng bá và kết nối với các nhà đầu tư các nước, các nhà đầu tư có tầm chiến lược trong nước. 

PV: Thưa bà,  Quảng Ninh quan tâm như thế nào về vấn đề hỗ trợ đầu tư hạ tầng cũng như phát triển ngành nghề tại đây?

Bà Đỗ Thị Lan: Để các nhà đầu tư vào Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi nhất, tỉnh vận động hệ thống chính trị giải phóng mặt bằng, giúp các nhà đầu tư vào tìm hiểu và kinh doanh các ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị điều kiện như quỹ đất sạch và tiềm năng lợi thế nguyên sơ nên các nhà đầu tư có thể xây dựng  dự án mà không chồng lấn với các dự án trước. Chỉ đạo các cơ quan xây dựng đề án đảm bảo an ninh quốc phòng. Chuẩn bị  xây dựng lập quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của Vân Đồn, mời tư vấn nước ngoài, chuyên gia có khả năng tham gia xây dựng quy hoạch, xây dựng chiến lược, lộ trình cho việc triển khai thực hiện từ nay đến năm 2050. 

Quảng Ninh chuẩn bị điều kiện để vận hành khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn - ảnh 1 Đại biểu quốc hội Đỗ Thị Lan 

Phải xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư. Quảng Ninh chủ động để thu hút các nhà đầu tư thực hiện tham gia đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức PPP. Các dự án theo hình thức BOT. Đến nay, Quảng Ninh đầu tư 3 tuyến đường cao tốc kết nối với Móng Cái, giáp cửa khẩu Trung Quốc đi Hải Phòng, kết nối đường cao tốc Vân Đồn Hạ Long xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tổng số vốn các dự án hơn 3600 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng dân sinh cho người dân trên địa bàn.  Quảng Ninh đã xây dựng phát triển ngành nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương như phát triển công nghệ cao, phát triển du lịch…

PV: Trong việc thu hút các nhà đầu tư, Quảng Ninh có ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài không?

Bà Đỗ Thị Lan: Việc mà thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì Quảng Ninh đã bám sát cơ chế chính sách hiện nay theo dự thảo của luật. Làm sao đảm bảo yếu tố đầu tư theo ngành  nghề ưu tiên và thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã tính đến các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tiềm năng trên thế giới để kêu gọi xúc tiến, đầu tư.  Để đồng bộ thì trong những năm đầu cần đầu tư nguồn lực. Luật cần quy định cơ chế ngân sách của nhà nước, cho cơ chế để tỉnh sử dụng nguồn đó để xây dựng hạ tầng ít nhất trong 5 năm đầu.

PV: Thưa bà, để đơn vị hành chính kinh tế đăc biệt vận hành hiệu quả thì  bộ máy chính quyền địa phương rất quan trọng.  Quảng Ninh quan tâm vấn đề này như thế nào?

Bà Đỗ Thị Lan: Đây là mô hình mới. Sẽ tinh gọn bộ máy phát huy hiệu lực, hiệu quả và người đứng đầu phát huy giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính liên quan, phù hợp với cạnh tranh quốc tế, đảm bảo thủ tục phù hợp. Tôi thấy cần phân cấp phân quyền mạnh cho trưởng khu kinh tế, có thẩm quyền giải quyết các vấn đề tại khu hành chính kinh tế đặc biệt theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các cơ quan giải quyết vấn đề hiệu quả, sắp xếp hội đồng nhân dân, giao các khu hành chính giải quyết vấn đề cho dân. Cần phải tinh gọn bộ máy. Đối với Việt Nam mô hình mới, vì vậy, để thu hút phải có cơ chế chính sách vượt trội, đủ mạnh như ưu đãi về thuế, đất đai, xuất nhập cảnh và có những chính sách mới có thể thu hút được các nhà đầu tư.

Xin cảm ơn bà 

Feedback