Những ngày này, phụ nữ trên toàn thế giới đón chào ngày kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8.3 với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị về bình đẳng. Đối với Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ đã đóng vai trò kết nối với các tổ chức phụ nữ quốc tế thực hiện nhiều hoạt động chung vì mục tiêu phát triển bền vững. Hội cũng đã tập hợp phụ nữ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài vượt qua những thách thức của thời kỳ công nghiệp 4.0 để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao quyền bình đẳng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin về những nội dung này.
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, phụ nữ là lực lượng quan trọng,tham gia vào tất cả mọi mặt của cuộc sống. Vậy trong thời kỳ hội nhập hiện nay, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò như thế nào trước những thách thức toàn cầu:
Bà Trần Thị Hương: Quá trình toàn cầu hóa, phụ nữ có những đóng góp trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu như về y tế, về môi trường, về dịch bệnh, các điểm nóng bạo lực… Hội Liên hiệp phụ nữ đã tích cực đề xuất luật pháp chính sách đảm bảo sự tham gia của phụ nữ. Thực tế cho thấy, các vấn đề toàn cầu liên quan tới nhiều quốc gia, không thể để cho từng quốc gia giải quyết, cần có sự phối kết hợp của nhiều bên. Hội phụ nữ đã phối hợp với các đối tác quốc tế, để hỗ trợ xử lý những vấn đề liên quan tới phụ nữ di cư, kết hôn quốc tế, bảo hộ công dân, phối hợp với bộ bình đẳng giới của Hàn Quốc để giải quyết vấn đề liên quan tới cô dâu Việt.
PV: Thưa bà, hội nhập và thời kỳ công nghiệp 4.0 đã giúp cho phụ nữ trưởng thành rất nhiều, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức phải vượt qua?
Bà Trần Thị Hương: Đúng như vậy. Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia thành công trên lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ví dụ rất nhiều chị đạt giải kovalepxcaia hay nhiều sinh viên nữ đạt những giải khoa học dành cho các nhà khoa học trẻ. Chính phủ cũng có rất nhiều chính sách, nhiều chương trình thúc đẩy khoa học công nghệ nói chung, hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ nói riêng. Hội phụ nữ đang được thừa hưởng một đề án phụ nữ khởi nghiệp rất lớn . Hội phụ nữ Việt Nam cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế hiện thực hóa tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu của Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 12. Thực hiện chương trình số hóa của hội và các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng công nghệ số cho phụ nữ và đào tạo kỹ năng kinh doanh công nghệ cho phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh. Tuy vậy, phụ nữ đang phải đối diện nhiều thách thức, như lao động nữ trình độ vẫn còn thấp hơn nam giới, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ảnh hưởng rất nhiều khi mà phụ nữ muốn bứt phá trước lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có nhiều lĩnh vực mà phụ nữ chưa tham gia nhiều. Để giúp cho phụ nữ vượt qua những thách thức của thời kỳ công nghiệp 4.0, ngoài sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chúng tôi cũng khích lệ chị em nỗ lực, quyết tâm, chủ động tìm hiểu, học hỏi, nâng cao trình độ để áp dụng những tiến bộ khoa học vào công việc của mình.
PV: Hội phụ nữ Việt Nam đã đoàn kết với phụ nữ ở trong nước và nước ngoài như thế nào trong các định hướng hoạt động của mình?
Bà Trần Thị Hương: Có rất nhiều hoạt động cụ thể như gửi thư chia sẻ, lên tiếng ủng hộ các phong trào yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em ở các nước gặp khó khăn do thiên tai, do chiến tranh, do cấm vận, dịch bệnh.. Ví dụ như ủng hộ tỉnh Atapưi của Lào khi bị vỡ đập thủy điện, ủng hộ động đất ở Tứ Xuyên, và mới đây trong dịch covid-19 thì chúng tôi cũng kêu gọi ủng hộ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng tích cực ủng hộ các chiến dịch toàn cầu do phụ nữ quốc tế phát động như phụ nữ đi bộ chống đói nghèo; hoặc thu thập các chữ ký để ủng hộ các chương trình nói không với bạo lực phụ nữ, phản đối vũ khí hạt nhân và ngôi nhà không khói thuốc. Luôn phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm trong Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN và tham gia các hoạt động trên nhiều diễn đàn quốc tế như chia sẻ kinh nghiệm trên một số lĩnh vực mà Hội có thế mạnh như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường…Triển khai nhiều hình thức hợp tác với phụ nữ Lào và Campuchia vì hòa bình và phát triển như đào tạo. Năm nào, cũng có những lớp bồi dưỡng cho phụ nữ Lào, Hội phụ nữ Campuchia, hợp tác 3 bên vì tín dụng vi mô.. Hội cũng đăng cai rất nhiều diễn đàn quốc tế.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN |
Năm 2020 này, chúng tôi dự kiến tổ chức các sự kiện song phương và đa phương,đóng góp vào công tác đối ngoại chung của Việt Nam; Đăng cai Diễn đàn quốc tế 5 năm vì mục tiêu phát triển bền vững nhìn từ góc độ bình đẳng giới. Hội phụ nữ Việt Nam làm đầu mối để Hội phụ nữ các cấp tham gia góp ý, đề xuất, tham gia giám sát và phản biện chính sách pháp luật, các chương trình đề án, dự án, đảm bảo nhạy cảm giới. Đối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Đối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, Hội phụ nữ có những động viên để chị em hướng về quê hương, làm cầu nối giữa Việt Nam với nước sở tại. Đối với hoạt động của phụ nữ ở nước ngoài, chúng tôi có rất nhiều kênh để kết nối, nơi nào có đại sứ là nữ thì chúng tôi cũng có kết nối, để cho các đại sứ nữ tập hợp được phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, hoặc là chúng tôi liên kết với nhân viên sứ quán trong công tác cộng đồng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em. Khi đi công tác bao giờ chúng tôi cũng có sinh hoạt cộng đồng, chia sẻ, gặp gỡ phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Năm 2020 là năm chẵn, 90 năm ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi cũng có một hoạt động rất lớn: Phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao du lịch tổ chức 1 hoạt động rất lớn với chủ đề áo dài di sản văn hóa Việt Nam nhằm khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm đối với di sản văn hóa Việt Nam, tiến tới công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên trang của hội, trên các phương tiện thông tin của Hội, trên fb có tuần lễ áo dài, các hoạt động hội thảo, hoạt động ở vùng miền để khơi dậy làng nghề, những nơi may áo dài từ thời xưa. Chúng tôi muốn có nghiên cứu tìm hiểu các nghệ nhân may áo dài, thiết kế áo dài. Tổ chức các nhóm để thi ảnh áo dài di sản quê hương, quyên góp mua áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc là những phụ nữ thời gian eo hẹp không có điều kiện mặc áo dài, để tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam. Đối với người Việt nam ở nước ngoài, chúng tôi đã có công văn gửi Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao để vận động phụ nữ cán bộ công chức đang ở nước ngoài mặc áo dài trong tuần lễ áo dài, điểm nhấn là từ 6.3 và kéo dài trong một tuần. Chúng tôi cũng thông tin tới bạn bè quốc tế để cùng tham gia, tạo ấn tượng tốt đẹp, khẳng định chủ quyền của áo dài Việt Nam.
PV: Nhân ngày 8.3 bà có điều gì muốn gửi gắm tới tất cả phụ nữ Việt Nam trên toàn cầu?
Bà Trần Thị Hương: Nhân dịp này, tôi xin thay mặt cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bày tỏ niềm tin và mong muốn mỗi người phụ nữ Việt Nam cho dù ở cương vị nào, ở trên dải đất hình chữ S này hay là ở những vùng xa xôi trên toàn thế giới, luôn hướng về quê hương, thể hiện lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, xây dựng nước Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thịnh vượng, phát triển. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, tôi cũng muốn gửi lời chào, lời chúc tốt đẹp nhất tới phụ nữ Việt Nam trên mọi miền tổ quốc và toàn thế giới,chúc cho chị em luôn là những bông hoa tươi đẹp, luôn thành công trên các lĩnh vực và có cuộc sống hạnh phúc.
Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn của Phóng viên đài TNVN