Nhà thơ Trương Anh Tú: “Hãy đến với nhau bằng đối thoại, bằng thiện chí, bằng tấm lòng“

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Nhà thơ Trương Anh Tú, người Việt tại CHLB Đức sẽ chia sẻ về những mối quan tâm chung của các đại biểu, đặc biệt là vai trò của các nhà văn, nhà thơ người Việt ở nước ngoài trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Trong các ngày từ 20 – 24/10 vừa qua, lần đầu tiên tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”. Sự kiện lần đầu tiên này do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 nhà văn tiêu biểu trong nước và các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại 12 quốc gia trên thế giới. Các đại biểu đã cùng bàn thảo những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, giúp gắn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, hướng thiện trong tinh thần đoàn kết dân tộc. Thông qua hoạt động này cũng tạo cơ chế phối hợp gắn bó các nhà văn ở nước ngoài với Hội Nhà văn Việt Nam về sáng tác, công bố tác phẩm; đồng thời giúp họ hiểu rõ thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nhiều tác phẩm phục vụ con người và văn hóa Việt Nam.

Nhà thơ Trương Anh Tú, người Việt tại CHLB Đức sẽ chia sẻ về những mối quan tâm chung của các đại biểu, đặc biệt là vai trò của các nhà văn, nhà thơ người Việt ở nước ngoài trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Nhà thơ Trương Anh Tú: “Hãy đến với nhau bằng đối thoại, bằng thiện chí, bằng tấm lòng“ - ảnh 1

Nhà thơ Trương Anh Tú

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa nhà thơ Trương Anh Tú, được biết mới đây ông đã tham gia cuộc gặp gỡ “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”. Ông có thể cho biết về những mối quan tâm chung của các nhà văn trong nước và nước ngoài khi tham gia Cuộc gặp gỡ này?

Nhà thơ Trương Anh Tú: Ngay cái tên gọi cuộc gặp gỡ là “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” đã nói lên nội dung, chủ đề và điểm đến của cuộc gặp gỡ này. Tôi nghĩ rằng các nhà văn cả ở trong nước và nước ngoài đều có mối quan tâm lớn đối với  sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Thực ra chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam hơn 40 năm, và chúng ta đã có nhiều động thái để kêu gọi đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh chung của dân tộc, và cuộc gặp gỡ này cũng nằm trong tiến trình đó. Tôi nghĩ rằng nhà văn hay mọi công dân Việt Nam đều cần có trách nhiệm tác động vào sứ mệnh này theo khả năng, theo trí tuệ của mình. Tôi đã nhận lời mời của Hội nhà văn Việt Nam để tham gia sự kiện này. Phải nói rằng đây là cuộc gặp gỡ rất bổ ích, chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan để làm sao chúng ta có thể đoàn kết được mọi ý kiến, có thể là trái chiều hay có nhiều cách nhìn khác nhau, nhưng làm sao phải đặt niềm tin vào dân tộc. Chúng ta có nhiều cách để xây dựng đất nước, nhiều con đường để phát triển, nhưng có một giá trị không bao giờ thay đổi, đó là Tổ quốc và Dân tộc. Quyền lợi của Tổ quốc, Hòa bình và Tự do – đó là những giá trị không bao giờ thay đổi. Chúng ta phải đặt Tổ quốc và Dân tộc là điểm đến, và chỉ với con đường đó chúng ta sẽ quy tụ được sức mạnh của mọi công dân nói chung hay những nhà văn trong nước và ngoài nước nói riêng.

Trong cuộc gặp gỡ này đã có rất nhiều cuộc hội thảo, bàn luạn làm sao để các nhà văn ở hải ngoại có thể xuất bản các tác phẩm ở Việt Nam, cũng như trao đổi nghề nghiệp để giới thiệu các tác phẩm của những nhà văn ở nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi cũng có các cuộc trao đổi giữa các nhà văn trong nước và ngoài nước, bao gồm nhiều phần, ví dụ như như đối với văn học dịch thì làm thế nào để quảng bá những tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra nước ngoài, hoặc các tác phẩm có giá trị của nước ngoài đến với bạn đọc Việt Nam. Chúng ta phải làm bằng tâm huyết, bằng tấm lòng bằng trái tim, bằng trí tuệ, chỉ khi đó văn học Việt Nam cũng như nhiều lĩnh vực khác sẽ được thế giới quan tâm.

PV: Việc quảng bá để làm sao thế giới biết đến văn học Việt Nam là điều mà thiết nghĩ rằng các nhà văn, nhà thơ người Việt ở nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này?!

Nhà thơ Trương Anh Tú: Trong các buổi trao đổi, chúng tôi có nghe rất nhiều ý kiến về làm thế nào để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Có nhiều bạn trẻ đã dịch hàng chục tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại, và khá nhiều trung tâm, ví dụ như trung tâm của anh Nguyễn Bá Chung ở Mỹ đã làm từ cách đây mấy chục năm rồi, họ tìm những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam để dịch ra tiếng nước ngoài. Đó là việc rất cần thiết, cần sự đầu tư không những của các nhà văn mà còn của cả Nhà nước, của Bộ Văn hóa, làm sao để quảng bá những tác phẩm thực sự có giá trị, mang giá trị phổ quát của nhân loại, chỉ khi đó thì mới đến được với bạn đọc nước ngoài – những người muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, những giá trị của Việt Nam. Thực ra, đối với các nhà văn, để thống nhất với nhau là điều không khó. Một nhà văn, nhà thơ khi sáng tác một tác phẩm, chỉ khi nào tác phẩm đó hướng đến những giá trị, hướng đến cái đẹp thì sẽ chạm đến trái tim của người đọc. Ở Việt Nam chưa có những hội đồng dịch để có thể quảng bá nhanh, nhưng trong tương lai Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thành lập một ban liên lạc của những nhà văn ở nước ngoài để các nhà văn người Việt ở nước ngoài không những chỉ có thể xuất bản các tác phẩm của mình ở Việt Nam mà còn có thể trao đổi nghề nghiệp của mình nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tôi rất thán phục các bạn trẻ cũng như những tác giả ở Ba Lan hay ở Hungary, ở Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ, họ vừa viết văn và vừa dịch. Tôi nghĩ họ chính là những sứ giả, những cầu nối để mang văn học Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời cũng mang những cái tinh túy của văn học nước ngoài để bạn đọc Việt Nam được tìm hiểu và biết đến.

PV: Đúng như tên gọi của cuộc gặp gỡ - Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Trong đó vấn đề hòa hợp đã được bàn thảo như thế nào, thưa ông?

Nhà văn trương Anh Tú: Thực ra, vấn đề hòa hợp không phải là khó. Theo tôi, hòa hợp sẽ có khi cả hai phía, những người trong và ngoài nước cùng đến với nhau bằng tấm lòng, bằng trí tuệ, bằng sự hiểu biết, để cùng đi đến mục đích chung là lợi ích của dân tộc. Văn học cũng vậy, dù nhà văn sống ở đâu thì giá trị của một tác phẩm cũng là con người, là sự tiến bộ, là đánh thức những cái đẹp, đánh thức lòng yêu nước của mỗi con người – đó là giá trị sống mãi mãi. Văn học bây giờ cũng là không biên giới. Có người nói rằng, anh cứ đi hết dân tộc của mình đi, rồi anh sẽ đến với thế giới. Chúng ta dù sống ở đâu thì cái giá trị đích thực của một tác phẩm là cái đẹp, là sự tiến bộ. Tôi nghĩ rằng các nhà văn sẽ rất dễ thống nhất những điểm đó, và chúng tôi biết rằng những điểm đó sẽ mang đến những suy nghĩ tích cực. Văn học sẽ là cầu nối cho việc hòa hợp, hòa giải, hoặc sự hiểu biết giữa trong và ngoài nước được tốt hơn. Việt Nam phải quốc tế hóa trong nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao, văn học, cho đến kinh tế. Quốc tế hóa là chúng ta phải nâng mình lên, đó là thách thức vì chúng ta phải chuẩn mực hóa rất nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội để Việt Nam có thể hội nhập và hòa nhập với thế giới. Và trong việc này, nhà văn sẽ tạo cầu nối rất quan trọng để những luồng ý kiến trái chiều khác nhau có thể nhìn vào điểm chung của sự tiến bộ về cái đẹp, về Tổ quốc. Văn học cũng sẽ là cầu nối giúp cho dân tộc có sức mạnh cũng như đại đoàn kết để tạo ra sức mạnh của Tổ quốc.

Trong cuộc gặp gỡ này, tôi cũng mang đến một bài thơ, để cho con người nghĩ được những vấn đề về chiến tranh. Đó là bài “Thơ viết bên những lá cờ ở Liên Hợp quốc”:

Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa

Không có bầu trời trái đất về đâu!

 

Những lá cờ hãy đứng bên nhau

Hãy hát cho tình yêu

Hát cho tình đồng loại

 

Hát cho tự do

Hát cho lòng nhân ái

Hát như lòng mẹ bao dung ôm những đứa con mình!

 

Hãy hát lên

Như tình yêu khởi thủy

Con người sinh ra đã biết yêu nhau!

 

Những lá cờ ơi

Mẹ khóc nhiều rồi

Bao đứa con ra trận lại bắn vào bao người mẹ khác

 

Bắn vào lời ru

Bắn vào nước mắt

Bắn vào bầu trời xanh những giấc mơ!

 

Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa

Không có bầu trời

Trái đất không nhà

Trái đất mồ côi!

 

Những lá cờ ơi

Lửa cháy nhiều rồi

 

Hãy nhìn trời cao

Mây không biên giới

Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ!

 

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian! 

Thông điệp tôi muốn gửi đến rằng con người chỉ có thể vượt qua chiến tranh bằng đối thoại, bằng hòa bình, bằng tình yêu, bằng bầu trời xanh, bằng những ngôi sao trong đôi mắt của những đứa trẻ. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của nhà văn, nhà thơ, dùng tác phẩm của mình để đánh thức những cái tốt đẹp trong mỗi con người, để con người từ bỏ chiến tranh và đến với nhau bằng đối thoại, bằng thiện chí, bằng tấm lòng và sự hiểu biết.

PV: Vâng, xin cảm ơn nhà thơ Trương Anh Tú.

Feedback