Ngày Lễ tình nhân: hoa hồng và socola cho ai...

PV
Chia sẻ
(VOV5)- Ngày lễ tình nhân Valentine là một phong tục du nhập từ phương Tây, khi du nhập vào Việt Nam thì có điều gì đáng quan tâm?
(VOV5)- Ngày lễ tình nhân Valentine là một phong tục du nhập từ phương Tây, nhưng cũng là ngày lễ tôn vinh tình yêu đôi lứa được giới trẻ Việt Nam mong đợi và chào đón. Tuy nhiên, phong tục này khi du nhập vào Việt Nam thì có điều gì đáng quan tâm?

Phóng viên VOV5 phỏng vấn chị Vũ Thị Thanh Nhàn, giảng viên bộ môn công tác xã hội trường Đại học Thăng Long, chuyên gia các vấn đề liên quan đến giới, sức khỏe sinh sản về điều này.

Ngày Lễ tình nhân: hoa hồng và socola cho ai... - ảnh 1
Giảng viên công tác xã hội
Vũ Thị Thanh Nhàn

Nghe âm thanh tại đây:

Thưa chị trong nhiều năm trở lại đây, những ngày lễ lớn của nhiều nền văn hóa khác, ví dụ như ngày của Cha hay ngày của Mẹ vv… đều có du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ hưởng ứng khá nhiệt tình. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu chị thấy ngày Lễ tình nhân ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Trong những năm gần đây khi hội nhập với thế giới thì ngày Valentine là ngày lễ mà được giới trẻ Việt Nam khá háo hức đón nhận. Ngày này lượng tiêu thụ hoa hồng và socola rất lớn. Điều đó cho thấy giới trẻ Việt Nam cũng từng ngày hòa nhập với các phong tục, văn hóa trên thế giới. Nhưng có một vấn đề xảy ra, là ngày này hầu như phụ nữ sẽ đợi người bạn trai của mình đem hoa và sô cô la đến để tặng cho mình.

Như chị nói thì... dường như hoa hay socola cũng nói lên nhiều điều?

Trong việc tặng quà cho nhau nhân ngày Valentine, hầu như để chúng ta thể hiện tình yêu. Tình yêu là món quà tạo hóa dành cho con người, cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam trong những ngày này các bạn nam sẽ là những người chủ động mua socola, mua hoa hồng để tặng cho bạn gái của mình. Và rõ ràng dù tình yêu khá bình đẳng, chúng ta có quyền yêu, có quyền tặng quà cho nhau, nhưng điều mà tôi cảm nhận thấy là, việc các bạn trai cứ phải chủ động tặng quà cho những ngày chung của cả hai giới, lại biểu hiện cho việc chưa chủ động cho lắm của các bạn gái trong việc thể hiện tình yêu của mình.

Từ câu chuyện cách trao và nhận trong ngày lễ tình nhân ở Việt Nam, chị có thể chia sẽ điều gì về vấn đề nữ quyền hay là bình đẳng giới ở Việt Nam?

Thực ra ngày Valentine và vấn đề bình đẳng giới thoạt có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, tuy nhiên câu chuyện ở đây thể hiện một điều: Phụ nữ chúng ta đang từng ngày đòi quyền bình đẳng, đòi quyền được thể hiện cái tôi của mình trong cuộc sống nhưng rõ ràng ngay cả vấn đề nhận hoa hay tặng hoa trong ngày Valentine cũng thể hiện chúng ta đang bị động để nhận sự quan tâm của người khác cho mình, trong khi mình chưa thể hiện sự quan tâm của mình cho người khác.

Quay trở lại câu chuyện bình đẳng, thực tế trong những vấn đề mà chúng tôi từng nghiên cứu, thì những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới hầu như đề cập đến bình đẳng trong gia đình, trong việc nhà (như phụ nữ làm rất nhiều việc nhà nhưng nam giới thì không), hay bình đẳng trong giáo dục (trẻ em gái hay phải bỏ học sớm hơn trẻ em trai), hay là vấn đề bình đẳng trong chính trị (những người phụ nữ tham gia vào chính trị mang tính chất cơ cấu và chưa thực sự thể hiện hết khả năng của mình)…Đấy là một số nghiên cứu mà chúng tôi phát hiện như vậy.  Nó có vẻ như là không liên quan gì đến hoa hồng và socola!!! Nhưng tôi nghĩ đó dù là việc nhỏ, thì phụ nữ cũng phải thể hiện được việc trao tình cảm của mình (bằng việc tặng quà hay socola của mình cho bạn trai của mình trong ngày này). Cơ hội cho việc thể hiện tình cảm thì cả nam, cả nữ đều phải thể hiện tình cảm của mình hơn là việc các bạn nữ chờ đợi món quà đến với mình. Việc chúng ta chủ động hơn trong vấn đề tặng quà có lẽ cũng là một bước tiếp theo trong cái lộ trình để chúng ta có cơ hội thể hiện khả năng bình đẳng trong tương lai, trong gia đình của mình sau này, trong công việc của mình sau này và kể cả trong chính trị.

Xin trân trọng cảm ơn chị

Feedback