Ông Diệu Nhật Hưng sống tại Canada được gần 40 năm. Ông là chuyên viên lập trình robot, nay đã nghỉ hưu. Cùng đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2018, ông Diệu Nhật Hưng dâng trào cảm xúc ngay trong ngày bước chân lên đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa.
Ông Diệu Nhật Hưng tại cột mốc đảo Trường Sa |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, ông cho biết chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm nay đã để lại trong ông điều gì?
Ông Diệu Nhật Hưng: Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi đã lên nhiều đảo như đảo Song Tử Tây, đảo Đá Nam... Tôi rất vinh dự và hãnh diện được đi trong đoàn công tác số 10 năm 2018. Mặc dù các chiến sĩ trên đảo rất bận rộn trong công tác cũng như điều kiện sinh hoạt rất khó khăn nhưng các chiến sĩ đã dành cho chúng tôi những tình cảm, sự đón tiếp rất ân cần. Là những kiều bào sống xa quê hương, nhìn các chiến sĩ ở đảo xa, thấy lòng mình ấm và thấy rất gần gũi như con em mình trong nhà. Rất cảm động.
PV: Qua chuyến hải trình này, ông nhận thấy việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được thực hiện như thế nào?
Ông Diệu Nhật Hưng: Vươn khơi bám biển đó là truyền thống của ông cha ta từ xưa đến nay. Từ xưa, ông cha ta đã có đoàn hùng binh đi ra trấn giữ ngoài đảo. Và ngày hôm nay, truyền thống ấy vẫn được tiếp tục bởi quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi rất khâm phục, hãnh diện vì có Đảng, Chính phủ quan tâm đến vấn đề biển đảo, biên giới và hỗ trợ cho đồng bào ở xa, về tận mắt nhìn thấy biển đảo quê hương và chủ quyền của Việt Nam.
Chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca |
PV: Được biết, hải trình thăm Trường Sa năm nay ông có mang theo một lá cờ. Lý do ông mang theo lá cờ này là gì?
Ông Diệu Nhật Hưng: Tôi đã mang một lá cờ Canada, biểu tượng của đất nước Canada nơi chúng tôi đang cư trú, về đây. Tôi xin những chữ ký của những chiến sĩ trụ ở trên các hòn đảo này. Sở dĩ tôi mang lá cờ của Canada về vì tôi muốn cho thế hệ con cháu chúng tôi và những người ngay bây giờ đang có ý đồ xấu hay xuyên tạc, nhìn thấy lá cờ này, nhìn thấy chữ ký của những chiến sĩ đang bảo vệ đảo thì họ biết rằng Việt Nam ta còn đó. Biển đảo của chúng ta, quân đội của chúng ta đang ở đây. Đó là bằng chứng để những thế lực luôn tìm cách gây rối với đất nước sẽ phải cảnh tỉnh. Rất mong họ phải quay về để nhìn thấy thực tế. Đó là ý nghĩa của tôi mang lá cờ về.
Tại nhà giàn DK1/18 |
PV: Trong thời gian ở Canada, ông cùng những người Việt ở đây đã có những hoạt động gì hướng về quê nhà và hướng về biển đảo Tổ quốc?
Ông Diệu Nhật Hưng: Chúng tôi có một nhóm anh em trước đây đã từng du học, hàng năm, cứ đến ngày Tết thì gặp nhau để trao đổi, nói chuyện về quê hương. Đặc biệt, mỗi khi đại sứ quán có hoạt động gì cần hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng, đặc biệt về vấn đề biển đảo. Bất kể khi nào gặp người da trắng hay người địa phương, chúng tôi luôn luôn nói chuyện với họ rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng tôi có bằng chứng, có những hình ảnh cụ thể, từ Lý Sơn đến Trường Sa để cho họ thấy. Ngày hôm nay tôi mang lá cờ này là bằng chứng cụ thể cho người địa phương hiểu là quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.