Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại

Chia sẻ
(VOV5) -Khoa hiện có 250 sinh viên quốc tế theo học đủ các hệ và 250 sinh viên Việt Nam học đào tạo cử nhân, cao học.

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ lâu đươc biết đến là ngôi trường dạy tiếng Việt và chuyên ngành Việt Nam học có uy tín không chỉ đối với người nước ngoài.Trong bối cảnh Việt Nam mở rộng hợp tác giao lưu mạnh mẽ với quốc tế trên mọi lĩnh vực thì Khoa Việt Nam học và tiếng Việt  không ngừng đổi mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Trong chương trình hôm nay, PV Đài TNVN phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa về nội dung này.

Nghe chương trình phỏng vấn tại đây: 

Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại - ảnh 1Phó GS - Tiến sĩ  Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

PV: Xin chào thầy Nguyễn Thiện Nam, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt từ lâu được biết là “địa chỉ đỏ” của người nước ngoài muốn học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Xin thầy cho biết đôi nét về ngôi trường có tuổi đời hơn 50 năm này?

Chúng tôi có truyền thống dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chinh thức là 50 năm. Khoa hiện có 250 sinh viên quốc tế theo học đủ các hệ và 250 sinh viên Việt Nam học đào tạo cử nhân, cao học. Trong đó, hệ thạc sĩ có khoảng 20 học viên. Ngoài ra, mỗi năm có chừng 70 sinh viên Hiệp định, tức là đến Việt Nam theo chương trình hợp tác giáo dục giữa chính phủ Việt Nam và đối tác, được cấp học bổng với khóa học 9 tháng. Cũng có những sinh viên theo học tiếng 1 năm trước khi đăng ký vào học một trường Đại học chuyên ngành nào đó tại Việt Nam. Nói chung, khoa chúng tôi có thể đáp ứng mọi yêu cầu của học viên kể cả học một thầy một trò, hay muốn học thêm về lịch sử, văn hóa Việt bằng tiếng Anh.

Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại - ảnh 2Tân Đại sứ Anh Gareth Ward ( phải) từng là học viên của Khoa

PV: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ, số người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt, nghiên cứu về Việt Nam ngày một đông. Vì thế, việc đổi mới phương pháp giáo dục là một yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng thời đại. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cũng không nằm ngoài dòng chảy đó phải không thưa Thầy?.

Đúng thế, đặc biệt trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở thì đó cũng là một thuận lợi cho Khoa. Nhưng về phía chúng tôi cũng phải liên tục đổi mới, làm sao càng ngày chuyên nghiệp hơn. Hiện ở Viêt Nam có hàng trăm đơn vị dạy tiếng Việt nhưng khoa chúng tôi được biết đến chính quy hơn nhờ sự hợp tác liên kết đào tạo với nhiều trường đại học đối tác trên thế giới. Cùng với đó, giáo viên của khoa luôn trau dồi chuyên môn, am hiểu đa văn hóa các nước. Nói chung, các thầy cô có kiến thức càng bách khoa càng tốt. Một trong những bí quyết làm cho sinh viên yêu mến là sự nhiệt tình của giáo viên. Phần lớn sinh viên nước ngoài lúc đầu sang Việt Nam dù ít nhiều cũng bị sốc văn hóa, thì các thầy cô luôn giúp họ vượt qua.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường được trang bị đầy đủ, tạo môi trường học tập tốt nhất. Ngoài giờ học, Khoa tổ chức những chương trình ngoại khóa như giao lưu với sinh viên Việt Nam, câu lạc bộ Sứ giả văn hóa, Tôi yêu tiếng Việt…, các hoạt động từ thiện, thăm bảo tàng, biểu diễn văn nghệ, thi viết về Việt Nam, Lễ hội năm mới hay đi thực tế tại các địa phương. Khoa cũng có căn bếp nhỏ giúp các bạn thích tìm hiểu ẩm thực Việt, dạy nấu món Việt.

Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại - ảnh 3Thầy Thiện Nam và Đoàn sinh viên ngoại ngữ Đại học Tokyo dự khóa học mùa hè 2018. Ảnh nv cung cấp 

PV: Cơ hội nghề nghiệp và phát triển chuyên môn của sinh viên sau khi ra trường như thế nào, thưa thầy.?

Cũng tùy, nhiều sinh viên nước ngoài sau ra trường tìm được việc liên quan đến Việt Nam. Hoặc nhiều bạn coi đó là một tri thức phục vụ cho cuộc sống hay nghiên cứu sau này. Đặc biệt trước đó có nhiều cựu sinh viên sau này làm thành đạt như đại sứ Palextin, Rumani, Cuba, Mông Cổ, Anh, Pháp…Tôi còn biết, sinh viên tốt nghiệp cử nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ra trường thường được các doanh nghiệp nước ngoài nhận làm ngay. Đối với cử nhân Việt Nam, học xong cũng có khả năng làm việc trong các chuyên ngành như báo chí, du lịch, dạy tiếng, hay giáo dục.

Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại - ảnh 4 Thầy Thiện Nam trao bằng cử nhân cho học viên tốt nghiệp

PV: Thưa thầy, đó là ở trong nước còn việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài đang là một chủ trương quan trọng của chính phủ Việt Nam nhằm gin giữ bản sắc dân tộc, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt có đóng góp như thế nào trong sứ mệnh này?

Tôi biết, Chính phủ có hai đề án đang triển khai. Đó là dạy Tiếng Việt trực tuyến cho người nước ngoài và đề án tổng thể nâng cao hiệu quả giảng dạy Tiếng việt ở nước ngoài, chúng tôi đều tham gia với vai trò chính với phần việc cụ thể.. 5 năm trở lại đây UBNVNONN, Bộ ngoại giao mở lớp huấn luyện giáo viên ở nước ngoài mỗi năm  khoảng 3 tuần để học phương pháp giảng dạy chính quy, thì các thầy cô trong khoa cũng phụ trách chuyên môn.

Khoa VN học và Tiếng Việt-ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới để hội nhập với thời đại - ảnh 5Khoa VN học và Tiếng Việt tiếp Bí thư thứ hai ĐSQ Australia tại Việt Nam về chương trình đào tạo tiếng Việt cấp tốc cho nhân viên Đại sứ quán Australia 

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên được Hội Việt kiều các nước mời sang dạy tiếng Việt hay mời giảng tại các trường Đại học đối tác, nơi tiếng Việt như một ngoại ngữ. Chúng tôi hiện liên kết với gần 30 trường ĐH trên thế giới. Để hiệu quả hơn, chúng tôi đang biên soan một giáo trình mới hiện đại, cùng với đó việc dạy trực tuyến cũng đang được tiến hành.

PV; Vâng Xin cảm ơn và chúc Thầy sức khỏe.

Feedback