Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An mong muốn được đồng hành cùng địa phương và các ngành để làm tốt hơn vai trò trong công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học có sự đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đơn vị du lịch,… nhằm khai thác, phát triển du lịch, phát triển các tri thức bản địa đồng bào dân tộc để tìm ra các tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế trên địa bàn. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, về việc đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An - ảnh 1Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã triển khai công tác hỗ trợ phát triển du lịch thông qua việc khai thác các tour, tuyến du lịch ở miền Tây Nghệ An như thế nào?

Ông Nguyễn Quý Linh: Đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong suốt thời gian vừa qua, có rất nhiều điểm sáng, rất nhiều phong cảnh đẹp, cũng như rất nhiều yếu tố văn hóa có thể khai thác du lịch. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, cho nên việc khai thác các tour tuyến du lịch, việc khai thác các tri thức bản địa và các yếu tố khác để phục vụ cho công tác du lịch cũng chưa được nhiều. Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành khoa học công nghệ cùng với các ngành: du lịch, công thương và các ngành liên quan cùng với các nhà kết nối tour tuyến chuẩn bị cho các cuộc khảo sát các điểm đến. Trên cơ sở đó, có những phương án hỗ trợ phát triển du lịch, trong thời gian tới.

Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An - ảnh 2Đoàn khảo sát trải nghiệm văn hóa dân tộc Thổ tại Làng Lung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, đoàn khảo sát cùng với các công ty lữ hành, đơn vị du lịch cũng như các cơ quan chức năng thử nghiệm một số tuyến du lịch trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Thông qua việc khai thác phong cảnh đẹp trên địa bàn huyện cũng như khai thác tri thức bản địa, các yếu tố văn hóa vùng miền, yếu tố dân tộc, chúng tôi có cái nhìn tổng quan, đồng thời có những phương án, giải pháp cho thời gian tới. Sau cuộc khảo sát, ngành khoa học và công nghệ Nghệ An và các ngành chức năng, như: ngành du lịch, ngành công thương và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo khoa học đánh giá một cái nhìn tổng quát, đồng thời có những giải pháp để cùng với địa phương để xây dựng chương trình những điểm đến để đáp ứng tốt yêu cầu du lịch trong thời gian tới.

Hiện nay, ngành khoa học công nghệ Nghệ An mong muốn được đồng hành cùng địa phương và các ngành để phục vụ tốt hơn, làm tốt hơn vai trò trong công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và địa bàn huyện Nghĩa Đàn nói riêng.

Phóng viên: Sở Khoa học công nghệ Nghệ An có những định hướng ra sao trong việc khai thác du lịch cộng đồng nhưng vẫn bảo vệ và giữ gìn được nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa?

Ông Nguyễn Quý Linh: Có thể nói rằng phát triển bền vững phải gắn với việc bảo tồn bền vững. Bảo tồn bền vững chính là giữ lại những nét truyền thống vốn có của bà con nhân dân dân tộc thiểu số. Chúng ta lưu giữ lại những nét truyền thống, khai thác những nét văn hóa truyền thống của bà con thông qua những điệu múa, câu hát của bà con. Có thể nói rằng việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch văn hóa là một việc cần phải hướng đến. Đó chính là những sản phẩm du lịch bền vững cần thiết phải được bảo tồn, duy trì, phát triển.

Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An - ảnh 3Hội thảo đánh giá mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ huyện Nghĩa Đàn do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức. 

Sở Khoa học công nghệ Nghệ An cũng như ngành du lịch của tỉnh Nghệ An đang hướng đến việc hội nhập không hòa tan. Những nét văn hóa, những sản phẩm truyền thống của nhân dân cần được lưu giữ lại bền vững cho đời sau để khách du lịch đến với Nghệ An, đến với bà con các dân tộc biết đến những nét đặc trưng của bà con dân tộc đã có.

Trong thời gian tới, ngành khoa học công nghệ cũng như ngành du lịch và các ngành liên quan cũng đang đồng hành cùng với bà con các huyện, các địa phương tiếp tục phát huy, bảo tồn, duy trì, phát huy những nét văn hóa vốn có. Để làm được điều đó, trước hết, chúng tôi đang tập trung tìm giải pháp hỗ trợ bước đầu lưu giữ, bảo tồn những nét truyền thống của địa phương.

Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An - ảnh 4Một tiết mục múa của đồng bào dân tộc Thổ chào mừng khách du lịch.

Bên cạnh đó, kêu gọi các cộng đồng du lịch, bà con, người dân quan tâm đến những nét văn hóa truyền thống bản địa. Thông qua đó, động viên các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch có niềm tin tiếp tục tổ chức, đầu tư một cách thuận lợi nhất trong thời gian tới.

Khảo nghiệm các tour tuyến du lịch bản địa để phát triển du lịch Nghệ An - ảnh 5Chương trình trải nghiệm văn hóa bản địa tại một gia đình đồng bào dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn.

Phóng viên: Ông tin tưởng rằng những mô hình du lịch cộng đồng sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc nói riêng và trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung?

Ông Nguyễn Quý Linh: Chúng tôi đang cùng với các đơn vị lữ hành và các đơn vị hoạt động du lịch khảo nghiệm, thử nghiệm các tour tuyến. Trên cơ sở đó, có những định hướng, tham mưu những giải pháp cho tỉnh, cho các địa phương. Tôi tin tưởng rằng chúng ta bằng các giải pháp hết sức căn cơ và bài bản, chắc chắn sẽ có những kết quả tốt. Bảo tồn, lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, nét văn hóa thì nó sẽ tồn tại bền vững. Chắc chắn, trong thời gian tới, đó sẽ là một điểm sáng trong phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Feedback