Khánh Hòa: Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế biển

VOV thường trú tại miền Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao.

Thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị Khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó có cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch biển đảo, dịch vụ vận tải biển, đô thị ven biển, công nghiệp. Phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực miền Trung phỏng vấn ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về nội dung này: 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:   

PV: Thưa ông Trần Hòa Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa! Ông có thể cho biết điểm nổi bật của những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khánh Hòa là gì?

Ông Trần Hòa Nam: Về nội dung của cơ chế, nếu chia theo nhóm thì phân thành 5 nhóm. Trong 5 nhóm có 13 chính sách cụ thể. Liên quan đến kinh tế biển thì có 8 chính sách. Nhóm chính sách thứ nhất là về quản lý đất đai để tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư lớn gồm 03 chính sách: Nội dung thứ nhất là địa phương được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung thứ hai là thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm cho phép được làm 1 số bước theo Luật Đất đai nhưng cho phép tỉnh làm sớm hơn. Nội dung thứ ba là tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Khánh Hòa: Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế biển - ảnh 1ÔngTrần Hòa Nam
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hò

Đối với nhóm chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, gồm 3 nội dung chính. Nội dung thứ nhất là xác định ngành nghề ưu tiên thu hút vào Khu Kinh tế Vân Phong gắn với các điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược. Nội dung thứ hai là trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nếu xác định là nhà đầu tư chiến lược thì được chỉ định nhà đầu tư chứ không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nội dung thứ ba  là các chính sách ưu đãi và các nghĩa vụ đối với Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn. Đối với nhóm chính sách Phát triển kinh tế biển xa bờ  cũng có 2 nội dung, đó là Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý thì thủ tục giao khu vực biển và thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã được phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Nội dung cuối cùng nữa là cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.

PV: Một số chuyên gia cho rằng: Nội hàm phát triển kinh tế biển Khánh Hòa còn vượt khỏi tầm của tỉnh. Nghĩa là, Khánh Hòa phát triển không chỉ riêng cho mình mà còn vì các tỉnh lân cận và góp phần thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông. Thưa ông! Điều này được thể hiện trong định hướng kinh tế biển của địa phương ra sao?

Ông Trần Hòa Nam: Tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/3/2023. Trước tiên, trong Quy hoạch này, Khánh Hòa đã định hướng phát triển kinh tế biển ở các nội dung là: Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở phát triển bền vững kinh tế biển, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế cho phát triển kinh tế biển làm nền tảng, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ Logictis, công nghiệp năng lượng; Kinh tế số là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đột phá vùng ven biển.

Theo đó, Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao. Khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển, vận tải biển - hàng không; Kinh tế biển - đảo; Thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.

Khánh Hòa: Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế biển - ảnh 2Nhiều chính sách đặc thù lựa chọn nhà đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong.

Phát triển đột phá vùng ven biển thì tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư và phát triển là vịnh Vân Phong Khu Kinh tế Vân Phong, vịnh Nha Trang có thành phố Nha Trang  và khu vực vịnh Cam Ranh có thành phố Cam Ranh.

PV: Thưa ông! Việc bảo tồn đa dạng sinh học biển, gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững đang được ngư dân Khánh Hòa hưởng ứng. Ông có thể cho biết hiệu quả lớn nhất của công tác này như thế nào?

Ông Trần Hòa Nam: Hiệu quả lớn nhất của công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững trước hết là bảo vệ được các loài sinh vật biển đang bị đe dọa và duy trì các hệ sinh thái biển ổn định. Thứ 2 là tạo ra các cơ hội việc làm mới cho ngư dân và các cộng đồng địa phương, từ đó giúp cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho ngư dân. Thứ 3 là phát triển kinh tế địa phương thông qua hoạt động du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trên biển một cách bền vững và cuối cùng là nâng cao nhận thức của người dân địa phương và khách du lịch về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học biển và hệ sinh thái biển, từ đó giúp tăng cường nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh thái của khu vực biển.

Bên cạnh tuyên truyền người dân và khách du lịch thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng được một số tổ chức hỗ trợ triển khai Khu Bảo tồn Nha Trang ở vịnh Nha Trang; Dự án nguồn lợi ven biển vị sự phát triển bền vững; Mô hình Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào nằm ở vùng biển xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.

Những dự án mô hình này nhằm quản lý tốt hệ sinh thái, rạn san hô ven bờ, qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân. Những dự án mô hình này đang được cộng đồng ngư dân địa phương hưởng ứng và đã đạt được nhiều hiệu quả to lớn, nhiều loại thủy sản, cá rạn, san hô trước đây cạn kiệt nay đang được phục hồi mạnh mẽ ở Rạn Trào, điều vui mừng hơn nữa là ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản của người dân địa phương được nâng cao. Thấy rõ nhất là tình trạng khai thác hải sản bằng các biện pháp hủy diệt tại khu vực Rạn Trào đã cơ bản được xóa bỏ nhờ hoạt động tích cực của cộng đồng quản lý Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương.

Feedback