Hỗ trợ người dân trong đại dịch - Hiệu quả của những chính sách nhân văn

Chia sẻ
(VOV5) - Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Trong 2 năm qua, đối mặt với những thách thức của đại dịch Covid-19, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam tự hào là quốc gia đã nỗ lực hết mình trong việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền con người.
Với sự nhanh chóng, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho hàng triệu người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những chính sách này đã thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của các cấp, ngành luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Nghe âm thanh PV tại đây: 

 
PV Thưa ông, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đều gặp vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ an sinh, trong đó phải kể tới các gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68 và gói 38 nghìn tỷ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ Việt Nam trong năm 2021?
Hỗ trợ người dân trong đại dịch - Hiệu quả của những chính sách nhân văn - ảnh 1Ông Phạm Quang Tú
Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Ông Phạm Quang Tú: Có thể nói rằng, đại dịch Covid 19 đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân trên toàn thế giới nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Hàng nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng và hàng triệu người dân bị mất việc làm và giảm nguồn thu do tác động của dịch Covid-19. Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra không chỉ là năm ngoái, năm nay mà nó còn tác động thêm nhiều năm nữa. Và để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, trong đó có các chính sách theo Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ và gần đây là Nghị quyết 116 với gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 và các chương trình, chính sách khác. Chúng tôi cho rằng những chính sách hỗ trợ liên tục của Chính phủ từ năm 2020 đến nay khá là kịp thời, phần nào giúp cho người dân cũng như doanh nghiệp giảm thiểu được khó khăn do tác động của đại dịch.

PV: Vậy theo ông, an sinh xã hội có vai trò như thế nào trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn cũng như ổn định lại tình hình kinh tế, xã hội trước những biến cố như Covid - 19?

Ông Phạm Quang Tú: Những hỗ trợ của Nhà nước, của những mạnh thường quân cho dù ít, nhiều cũng đã đến được tay những người cần sự giúp đỡ, rất kịp thời và có hiệu quả. Chúng ta biết rằng, dù có cố gắng đến mấy đi nữa thì xã hội luôn có những nhóm bị thiệt thòi như người nghèo gặp khó khăn hơn những nhóm khác. Trong bối cảnh đó, cho dù một quốc gia phát triển đến mấy đi nữa thì vai trò điều tiết của nhà nước trong việc thông qua các chính sách, ví dụ như thu thuế của những người có thu nhập cao và phân bổ những hỗ trợ đó cho những người có thu nhập thấp hoặc những người gặp khó khăn thì rất quan trọng.

Đó chính là điểm mấu chốt của chương trình an sinh xã hội. Chúng ta biết rằng ở Việt Nam chưa phải là quốc gia phát triển, chưa có nguồn lực lớn, thì vấn đề về an sinh xã hội lại càng quan trọng. Đặc biệt quan trọng hơn khi chúng ta đặt mục tiêu là xây dựng một đất nước của dân, do dân và vì dân và mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, thì hệ thống an sinh xã hội ngày càng quan trọng. Với hệ thống an sinh xã hội tốt thì sẽ giúp cho người dân giảm nghèo bền vững hơn, đảm bảo đời sống người dân và góp phần quan trọng để tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, công bằng xã hội. Qua đó, giúp củng cố niềm tin của người dân, đối với chính quyền, đối với Chính phủ, giúp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo ổn định để phát triển.

PV: Thưa ông, những gói hỗ trợ được triển khai trong một bối cảnh đặc biệt, khẩn trương và chưa có tiền lệ, điều đó sẽ không thể tránh khỏi những hạn chế. Qua thực tế triển khai, ông có thể chỉ ra những bập cập và cả những điều chưa làm được trong các gói hỗ trợ nói riêng và các chính sách an sinh xã hội nói chung?

Ông Phạm Quang Tú: Chúng ta biết rằng đại dịch xảy ra thì không ai mong muốn. Khi nó xảy ra ở cấp độ rộng, tất cả các quốc gia đều có các chương trình hỗ trợ cho người dân, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh. Như vậy, Việt Nam trong thời gian vừa qua, trên tinh thần đó thì đã có nhiều hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, khi triển khai, ở một số địa phương, nơi này, nơi kia còn chưa làm tốt. Đầu tiên khi triển khai gói 62 nghìn tỷ và các gói hỗ trợ tiếp theo, các thủ tục còn rườm rà, đặc biệt là gói đầu tiên. Khi triển khai gói 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khá sâu sát, họp liên tục với các địa phương, nhưng đâu đó vẫn còn các hạn chế. Việc này cũng cần phải rà soát, hướng dẫn để làm sao cho những người gặp khó khăn nhất được hỗ trợ với đúng tinh thần là người nghèo nhất, khó khăn nhất được hỗ trợ và đúng tinh thần là không ai bị bỏ lại phía sau.

PV: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" là một mục tiêu vô cùng nhân văn. Vậy, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân, theo ông cần có những giải pháp nào?

Ông Phạm Quang Tú: Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh như ở Việt Nam, khi số người nghèo và cận nghèo, những người đã thoát nghèo dễ bị tái nghèo vẫn còn nhiều. Khi mà hệ thống an sinh xã hội chưa được toàn diện, chưa đầy đủ thì nỗ lực xây dựng một hệ thống an sinh xã hội Chính phủ đã và đang làm cần phải tăng cường hơn nữa, phải đầu tư cho nguồn lực thích đáng để đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân bằng các chính sách cả ngắn hạn và dài hạn. Về dài hạn, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì khuyến khích, thúc đẩy người dân tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng được tham gia. Trong ngắn hạn thì khi người dân gặp khó khăn thì phải trích ra nguồn lực lớn để hỗ trợ người dân. Người dân như một tế bào của xã hôi, khi họ có sức khỏe thì xã hội chúng ta mới khỏe.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Feedback