Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chí hàng đầu của ông khi tham gia hoạt động cách mạng và giải phóng đất nước khỏi ách cai trị của đế quốc chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 02/09 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại khu di tích Phủ Chủ tịch diễn ra triển lãm quốc tế về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế.

Sự kiện do Cục văn thư - Lưu trữ nhà nước phối hợp cùng ba cơ quan lưu trữ Liên bang Nga, Pháp và Hoa Kỳ tổ chức.Bên lề triển lãm, Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Andrey Efimenko, Cục phó Cơ quan lưu trữ Quốc gia, Liên bang Nga về hợp tác giữa hai nước trong giới thiệu những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 1Triển lãm diễn ra trong khuôn viên Phủ chủ tịch, trưng bày hàng trăm tư liệu quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 PV: Xin ông cho biết ý nghĩa cuộc triển lãm quốc tế “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế diễn ra tại Phủ Chủ Tịch?

Andrey Efimenko: Cuộc triển lãm đã thể hiện tính chuyên nghiệp và sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan lưu trữ hai nước. Đã có đến hàng trăm tư liệu được gửi đến từ các cơ quan lưu trữ chính trị xã hội của Liên bang Nga, nói về cuộc đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ở Liên Xô cũ, cùng gắn liền với hoạt động quốc tế cộng sản 3 cũng như phong trào cộng sản quốc tế. Tôi nghĩ rằng qua những tư liệu này chúng tôi hiểu được tình hữu nghị rất thân thiết, bền chặt giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Có thời kỳ 6 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô học tập và nghiên cứu. Đây là thời kỳ ông trưởng thành như một người cộng sản chân chính. Những tài liệu liên quan đến hoạt động Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản lưu giữ tốt nhất. Theo mức độ xếp hạng thì các tài liệu lưu trữ này được bảo vệ đặc biệt ở cấp quốc gia. Tôi hi vọng rằng cuộc triển lãm này sẽ giúp chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đức tính tuyệt vời của Người.

Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 2Ông Andrey Efimenko (thứ 5 hàng sau từ phải sang) cùng đại diện cơ quan lưu trữ của Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ cắt băng khai mạc triển lãm

 PV: Đến đây, ông cảm nhận như thế nào về tình cảm và sự biết ơn của người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của dân tộc-Hồ Chí Minh?

Andrey Efimenko: Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục bởi tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh của không chỉ người dân Việt Nam mà cả du khách quốc tế khi đến đây. Tôi thấy, có hàng dài không dứt người dân trật tự xếp hàng vào Lăng viếng Bác Hồ và thăm nhà Bác. Còn tại triển lãm cũng có rất đông khách tham quan. Tôi cảm nhận rất rõ sự ngưỡng mộ, thành kính và biết ơn của mọi người đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đến Việt Nam dịp này, tôi biết còn có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một chuyên gia về lưu trữ cùng tổ chức triển lãm, tôi vui mừng khi thấy sự kiện thu hút đông đảo khách tham quan.

PV: Trong số các tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có nhận xét gì về Bản di chúc mà Người để lại cách đây nửa thế kỷ cho đất nước Việt Nam?

Andrey Efimenko: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công rất lớn trong việc quy tụ sự đoàn kết của tất cả tầng lớp nhân dân Việt Nam cho công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhũng di nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong di chúc của Người. Hiện nay, theo tôi được biết, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được thực hiện mạnh mẽ khi mà cuộc sống của người dân Việt Nam được cải thiện và đất nước ngày càng phát triển. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chí hàng đầu của ông khi tham gia hoạt động cách mạng và giải phóng đất nước khỏi ách cai trị của đế quốc chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi ông cho rằng, chỉ khi có sự đoàn kết thì mọi khó khăn, thử thách mới vượt được qua.

PV: Ở nước Nga có nhiều tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường mang tên Người. Xin ông cho biết, tình cảm của người dân Nga dành cho Bác Hồ như thế nào?

Andrey Efimenko: Trước đây là nhân dân Xô Viết, các nước Cộng hòa và ngày nay là nước Nga biết rất nhiều về chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn kính trọng Người. Như tôi đã nói là ở Nga có rất nhiều tượng đài Hồ Chí Minh và có Quảng trường mang tên Người. Cách nhà tôi không xa có quảng trường Hồ Chí Minh rất đẹp hàng ngày có nhiều người đặt hoa tưởng nhớ. Vào ngày sinh nhật Bác hay dịp đặc biệt có rất nhiều cựu chiến binh Nga, người Việt Nam hay các chuyên gia cố vấn từng làm việc ở Việt Nam đến đây.

Tôi nghĩ, đó là tình cảm thực sự của người dân Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua hình tượng của Hồ Chí Minh, người Nga hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa cách đây nửa thế kỷ nhưng tư tưởng chỉ đạo, giá trị đạo đức sáng ngời của Người vẫn tỏa sáng chỉ lối cho Việt Nam trên con đường xây dựng phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất, lỗi lạc, người gắn kết tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta. Dù về địa lý hai nước cách xa nhau, nhưng những bài học lịch sử thế kỷ 20 cho thấy Việt Nam và Nga rất gần gũi với nhau.

Cá nhân tôi, là một nhà sử học và nhà lưu trữ học, tôi được làm quen và nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có thể khẳng định, ông là một con người vĩ đại, dám vượt qua mọi thử thách, không tư cầu lợi ích cá nhân, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Tôi vô cùng khâm phục khả năng làm việc không mệt mỏi, trí tuệ thông minh tuyệt vời, sự giản dị và chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Ông.

Một số hình ảnh tư liệu chụp tại triễn lãm:

Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 3Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tours năm 1920. Ảnh tư liệu tại triển lãm
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 4 Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc niệm trước mộ liệt sỹ ở Yangon (Myanmar) năm 1958.
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 5Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo, làng Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 12/1/1958. 
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 6 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hợp tác xã nông nghiệp ở Triều Tiên vào tháng 7/1957.-Ảnh tư liệu tại triển lãm.
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 7Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ đơn vị 600 tại Nà Đoỏng, Tuyên Quang, năm 1953.- Nguồn ảnh Tư liệu tại triển lãm
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 8 Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ảnh tư liệu tại triển lãm
Hồ Chí Minh- Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam và nhân lọai - ảnh 9 Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969.

Feedback