Giáo dục đại học Việt Nam: Không tạo ra được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - GS TSKH Trần Đình Lâm trả lời phỏng vấn về những mối quan tâm của ông với giáo dục Việt Nam.

Trở về từ Cadacxtan, tham gia một số năm giảng dạy trong chương trình hợp tác giáo dục Đại học giữa Việt Nam và Cadacxtan, GS TSKH Trần Đình Lâm có nhiều tâm tư trăn trở. Ông từng là GS người Việt duy nhất ở nước CH Cadacxtan giảng dạy tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm quốc gia Abai, là thành viên Hội đồng bảo vệ tiến sĩ, Hội đồng tuyển nghiên cứu sinh của Nhà nước cộng hoà.  

Giáo dục đại học Việt Nam: Không tạo ra được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên - ảnh 1Giáo sư TSKH Trần Đình Lâm 

Thưa ông, là một giáo viên từng giảng đại học ở Việt Nam, rồi Liên bang Nga, ông nhận thấy vấn đề cần quan tâm của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là gì?

Cái yếu nhất của giáo dục đại học ở Việt Nam là không tạo ra được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Có những sinh viên ra trường mà vẫn không biết tra từ điển, không biết tra cứu một cuốn sách chuyên khảo. Cái yếu thứ hai là mở trường đại học và nâng cấp trường cao đẳng thành đại học ở Việt Nam chưa có một quy luật nào cả. Cái đó rồi không hiểu chất lượng sẽ như thế nào, hay đúng hơn là không nên nói đến chất lượng nữa.

Ông có ý kiến gì về việc các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp chất xám trong nước?

Vấn đề thu hút chất xám, rồi kêu gọi chuyên gia, giáo sư người Việt ở nước ngoài về công tác ở Việt Nam của mình những năm qua nhà nước kêu gọi nhiều. Những năm gần đây cũng có nhiều giáo sư, tiến sĩ về làm việc, có những trường hợp mở trường ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một hành động rất tích cực, thiết thực, góp phần vào việc cải thiện tình trạng hiện nay của giáo dục đại học ở Việt Nam. Thế nhưng có những điều mình cũng cần phải quan tâm, như ở nước ngoài các giáo sư người ta có những quyền nhất định: Ví dụ người ta có quyền nhận một học sinh bất kỳ của một nước nào mà nhà nước cũng phải công nhận.

Có những người được nước ngoài phong hàm GS, PGS thì liệu về Việt Nam những học hàm đó có được công nhận một cách chính thức hay không? Tại sao đặt vấn đề này ra, vì ở nước ngoài tiêu chí khác, mà ở Việt Nam tiêu chí lại khác. Nếu cứ chiểu theo tiêu chí ở Việt Nam, nhiều giáo sư ở nước ngoài về không thể là giáo sư ở Việt Nam được!! Có một nghịch lý:  ở đây những tiêu chí để phong GS, PGS lại cao hơn ở nước ngoài. Nước mà tôi đang công tác và giảng dạy là Cadacxtan, nước Nga, và một số nước khác tôi đã qua, tôi chưa hề thấy có tiêu chí giáo sư phải biết một ngoại ngữ và giao tiếp được bằng tiếng Anh cả.

Có một bộ phận khá đông những trí thức là người Việt ở Đông Âu có xuất thân như giáo sư, túc là những giảng viên được Việt Nam đào tạo, từng giảng dạy ở Việt Nam, rồi đi tu nghiệp, đi giảng dạy ở nước ngoài. Là người trong cuộc, chắc ông cũng có những tâm tư..?

Một số giảng viên (ví dụ như tôi trước đây dạy trường Đại học Ngoại ngữ Hà nội, nay là Đại học Hà Nội), bây giờ muốn về tham gia giảng dạy ở trường, thì liệu Bộ và nhà trường có đồng ý cho tiếp tục tham gia giảng dạy cùng hay không? Chuyện lương không phải là một điều kiện tiên quyết với nhiều người. Rõ ràng giới học thuật chúng tôi không phải là giàu có, nhưng chúng tôi có thể làm được vì muốn cống hiến tri thức của mình cho đất nước. bởi lẽ, mình là người Việt, nhà nước Việt Nam chu cấp mình ăn học, trở thành giáo sư tiến sĩ này nọ, mà lại dạy ở xứ người, không giảng dạy chính con em người Việt mình. Vậy khi những người có tâm nguyện về sự cống hiến như thế, nhà nước và các trường chủ quản cũ có thật sự cần người không, có nhận về dạy hay không?

Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Feedback