Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết "Chúng tôi chủ trương làm sao Festival Nghề truyền thống Huế mỗi năm lại có cái mới và ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn". 

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 diễn ra tại trung tâm thành phố Huế vào cuối tháng tư, đầu tháng năm vừa qua thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách với nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn. Riêng lượng du khách đến Huế trong dịp này đạt khoảng 400.000 lượt khách. Với số lượng cơ sở nghề lớn, không gian trải nghiệm đều khắp bên cạnh sông Hương đã góp phần tạo doanh số bán hàng của các cơ sở nghề tham gia ngày hội đạt khoảng 9,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế, trả lời phỏng vấn VOV5 về những hiệu quả mà Festival Nghề truyền thống Huế 2019 mang lại.

Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề  - ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế, phát biểu tại lễ hội hoa làng nghề trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa ông, Festival nghề truyền thống Huế  năm nay không dừng lại là một ngày hội của các ngành nghề truyền thống mà còn là điểm đến văn hóa, du lịch mang tính quốc tế hóa. Ông cho biết về những điểm nhấn đáng chú ý qua festival lần này?

Ông Nguyễn Văn Thành: Chúng tôi chủ trương là làm sao Festival nghề truyền thốn Huế mỗi năm có cái mới. Nhưng mà cái mới không quan trọng bằng chất lượng hiệu quả. Năm nay có nhiều cái thay đổi so với mọi năm. Chất lượng có, khó khăn cũng có. Thuận lợi là năm nay có không gian đường đi bộ ven sông rộng rãi, tạo thuận lợi để tổ chức, bố trí không gian nghề, vừa linh hoạt, lại vừa thực hiện được chủ đề một cách rõ nét hơn. Các nghệ nhân có địa điểm thuận lợi cho việc trưng bày, phô diễn sản phẩm của mình.

Thứ hai, năm nay chúng tôi tổ chức các chương trình thực hiện xã hội hóa để cho các nhà tài trợ chủ động trong vấn đề xây dựng nội dung chương trình. Ví dụ như: Lễ hội hoa làng nghề, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Huế, Không gian văn hóa ẩm thực, Không gian sen, không gian tranh tre hoặc những chương trình về  đông y. Đó là những nét mới và thu được hiệu quả rõ rệt.

Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề  - ảnh 2Lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế diễn ra đầy màu sắc và ý nghĩa. 

Phóng viên: Thưa ông, các làng nghề sau khi tham gia nhiều kỳ Festival  nghề truyền thống đã đạt được những kết quả như thế nào nhất là trong việc lưu giữ và quảng bá sản phẩm của làng mình?

Ông Nguyễn Văn Thành: Chúng tôi rất phấn khởi về hiệu quả của kỳ festival năm nay. Khi tham gia Festival này, các sản phẩm của các nghệ nhân ở các làng nghề được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, sản phẩm cũng được tiêu thụ nhiều hơn. Họ có được nhiều công ăn việc làm và nhiều hợp đồng lớn hơn. Người dân làng nghề đã có những sản phẩm vượt khả năng đáp ứng ngay trong festival. Ví dụ như hàng thủ công về kim hoàn, hàng thủ công mây tre đan, hạng mục mỹ nghệ. Kể cả như làng nghề của các địa phương khác ví dụ như gốm Bát Tràng luôn đồng hành với Festival nghề truyền thống ở Huế. Có nghệ nhân ở đây rất phấn khởi khi tham gia chương trình ở Huế vì qua chương trình, sản phẩm của họ được tiêu thụ nhiều hơn. Có nhiều ngành nghề trước đây còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chưa phát triển được. Nhưng sau Festival này thì sự tiêu thụ sản phẩm của họ được nhiều hơn và họ phát triển sản xuất được mở rộng hơn. Các làng nghề rất phấn khởi và sẵn sàng tiếp tục tham gia với Festival ở các kỳ tiếp theo.

Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề  - ảnh 3 Ông Nguyễn Văn Thành (bìa trái) trao vòng vinh danh cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.

Phóng viên: Như ông cho biết, Festival nghề truyền thống năm nay được coi là một festival thành công. Theo ông, việc tổ chức các Festival những năm tiếp theo nên như thế nào để tạo sự lan tỏa tích cực hơn nữa?

Ông Nguyễn Văn Thành: Định hướng của các kỳ Festival nghề truyền thống Huế tới chúng tôi đưa ra là trước tiên chúng tôi khai thác triệt để không gian vốn có của sông Hương và hạ tầng đang có. Vừa qua, chúng tôi cũng đã tạo ra những con đường đi bộ ven sông Hương, rồi không gian quảng trường trước trường Quốc học Huế, một vị trí rất đẹp và mang tính văn hóa, lịch sử. Chúng tôi đã tạo ra những cơ sở hạ tầng để chúng ta có thêm những điều kiện để tổ chức Festival trong những năm tới tốt hơn và ít tốn kém nhất, thuận lợi nhất.

Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề  - ảnh 4 Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế 2019 diễn ra tại sân Hàm Nghi thu hút nhiều du khách tới thưởng lãm.

Hướng sắp tới, chúng tôi nghĩ là không nhất thiết phải hai năm mới tổ chức một lần. Với không gian hạ tầng như thế này, trong một năm, tùy theo điều kiện thì có Festival riêng lẻ nào hoặc có thể là tổ chức quanh năm để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng chính phủ: Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi phải thực hiện xã hội hóa. Nếu như không thực hiện được chủ trương này lớn thì sẽ khó phát triển. Nhưng qua nhiều năm gần đây thì tính xã hội hóa được thể hiện rất cao.

Festival Nghề truyền thống Huế - Lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề  - ảnh 5

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề của Việt Nam được bố trí dọc theo bờ nam của dòng sông Hương.

Thứ ba là tính chuyên nghiệp hóa. Ví dụ như trước đây một giàn thuê sân khấu để tổ chức trình diễn sân khấu ngoài trời phục vụ cho festival tốn cả gần 1 tỷ đồng. Nhưng bây giờ chúng tôi sắm một lần nhưng mà sử dụng được nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của bà con tham gia festival. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phải xây dựng một bộ máy cán bộ chuyên nghiệp hơn, tinh thông nghiệp vụ hơn. Đó là những nét cơ bản cho hướng đi của các festival sắp tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Feedback