Ông Trần Hòa Phương chụp ảnh cùng các thanh niên kiều bào trong lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2017 |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, Trại hè Việt Nam 2017 vừa qua có điểm xuất phát là TP. Hồ Chí Minh. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những hỗ trợ gì để chương trinh diễn ra tốt đẹp?
Ông Trần Hòa Phương: Từ thành phố Hồ Chí Minh, các em trại sinh đã có một lễ khai mạc rất hoành tráng. Các em đã kết dính được với nhau và có những tiết mục hay và mang dáng dấp của các bạn trại sinh ở nước ngoài. TP. Hồ Chí Minh là nơi xuất phát, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã có những quan tâm và chỉ đạo thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức lễ khai mạc cho Trại hè 2017 với chủ đề Tuổi trẻ kiều bào tự hào về đất phương Nam. Và mỗi bước chân của các em sẽ gắn bó với vùng đất phương Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, các em sẽ hiểu được con người phương Nam là những con người chân chất, họ năng động trong lao động, kiên cường trong đấu tranh. Cái mà họ được mang lại đó là tình cảm với quê hương sau mỗi kỳ trại hè.
Phóng viên: Trại hè thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa mới khai mạc, xin ông cho biết những hoạt động chính và ý nghĩa của trại hè lần này?
Ông Trần Hòa Phương: TP. Hồ Chí Minh phát huy kết quả của Hội nghị VK 16 “Kiều bào với thành phố mang tên Bác”. Hiện nay chúng tôi đang triển khai 45 đề án, dự án theo kiến nghị kiều bào và phối kết hợp đơn vị sở, ngành để làm sao truyền đạt hy vọng, tin tưởng của bà con kiều bào đến với thành phố. Cũng như chúng tôi có một trại hè nho nhỏ dành cho thanh thiếu niên kiều bào về TP. Hồ Chí Minh, khai mạc các em ra Phan Thiết để thăm trường Dục Thanh, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hoạt động, cũng như ngắm biển của Việt Nam, vùng Nam Trung Bộ. Cũng nhằm mục đích làm sao để thanh thiếu niên hiểu thêm về đất nước của mình, gắn bó với đất nước của mình. Qua mỗi hoạt động, giao lưu các em sẽ có mối liên hệ giữa trong với ngoài nước và ngược lại. Từ đó thế hệ trẻ trong và ngoài nước sẽ gắn bó với nhau hơn. Giúp cho thế hệ trẻ của chúng ta tất cả cùng một hướng, đó là xây dụng, phát triển Tổ quốc Việt Nam ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Phóng viên: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã có những việc làm gì để gắn kết thế hệ thanh niên kiều bào với ngôn ngữ tiếng Việt mẹ đẻ?
Ông Trần Hòa Phương: Thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ chính trị cũng như chỉ thị 45 ngày 19/5/2015 của Bộ chính trị về Nghị quyết 36, TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch của Ban thương vụ thành ủy về triển khai các bước, trong đó đặc biệt quan tâm làm sao gắn kết thế hệ trẻ qua ngôn ngữ, thông qua tiếng Việt, phát triển văn hóa. Chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo thành phố đưa các hoạt động văn hóa ra với cộng đồng người Việt. Có một đặc điểm là cộng đồng người Việt gắn bó với TP. Hồ Chí Minh phần lớn nằm ở các nước tư bản, nằm ở khối các nước phát triển. Chính vì thế mà các thế hệ cha ông đã cố gắng truyền tải tiếng Việt đến. Tuy nhiên do vòng quay của cuộc sống, nền giáo dục từng nước một có đặc điểm khác nhau. Do bận với các công việc nên các em nói tiếng của sở tại. Vì thế tôi đang cùng với các Hội người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các hội đoàn của người Việt thường xuyên liên hệ, động viên, tạo điều kiện. kể cả đưa các đoàn văn nghệ của TP. Hồ Chí minh để nhằm cho các em có cơ hội được nghe tiếng Việt và được cha mẹ ông bà hướng dẫn về tiếng việt cụ thể hơn, làm cho sinh hoạt văn hóa phong phú hơn.
Phóng viên: Vâng, xin chân thành cảm ơn ông!