Phóng viên (PV) – Thưa giáo sư Nguyễn Trí Dũng, ông đã về nước hơn 40 năm, với một nhà khoa học, một nhà đầu tư, qua quá trình ở Việt Nam thì ý tưởng xây dựng Vườn ươm giấc mơ Việt Nam đến với ông như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Trí Dũng: Việc xây dựng đất nước Việt Nam tới 20 năm sau sẽ như thế nào theo tôi nghĩ không chỉ dựa vào đầu tư của Chính phủ mà phải dựa trên giấc mơ của mỗi người Việt Nam, và họ có giấc mơ đó, quyết tâm xây dựng cho bằng được giấc mơ ấy. Tôi cho rằng, khi tổng hợp tất cả các giấc mơ đó lại sẽ hình dung ra đất nước Việt Nam những năm tới. Tôi cho rằng, ngưỡng cửa đi lên của Việt Nam là phải đi qua nông nghiệp, tôi nghĩ chỉ khi nào người nông dân họ được cải thiện đời sống, họ làm nông nghiệp ổn định thì đất nước chúng ta mới có tương lai. Tại sao như thế? Vì thời đại ngày nay, vấn đề lương thực sẽ quyết định sự tồn tại của loài người. Lương thực, năng lượng và y học là ba thứ sẽ quyết định tương lai và Việt Nam có một cơ hội rất lớn, hơn nhiều nước khác. Tại sao chúng ta lại quên đi điều này? Vì điều đó mà tôi muốn kéo anh em việt kiều về tập trung vào một số lĩnh vực. Nhiều anh em việt kiều rất giỏi, nhưng đứng một mình, giống như mỗi người dùng một chiếc đàn chơi rất tốt, nhưng đưa vào một dàn nhạc giao hưởng lại rất khác. Có lúc anh phải đàn mạnh hơn, có lúc anh phải đàn yếu hơn và anh phải dùng cái đàn nào cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng vườn ươm giấc mơ Việt Nam làm sao vận động được mọi người ý thức tham gia, phần nữa là vận động trí thức tập trung vào một số lĩnh vực và có điều tiết để đưa vào những chương trình lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
PV: Mô hình Vườn ươm giấc mơ Việt Nam mà giáo sư nêu ra có khác gì so với những mô hình tập hợp doanh nhân, trí thức việt kiều từng diễn ra? Theo giáo sư thì làm sao để Vườn ươm giấc mơ Việt Nam gắn kết được những vấn đề thực tiễn và giải quyết được những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Trí Dũng: Tôi xuất thân là giáo sư đại học. Tôi về Việt Nam lâu nay tôi không hề nghĩ là tôi sẽ làm kinh doanh. Nhưng với tư cách là một việt kiều, tôi không thể chờ đợi nhà nước trả lương, chờ đợi nhà nước hậu đãi. Tôi không nghĩ như thế. Vấn đề là, như người ta thường nói là phải tự tay thắp sáng lối đi cho mình. Anh phải tự kinh doanh, anh phải tự tìm ra nguồn thu, anh phải tự tìm ra phương thức để giải quyết nó. Chính kinh nghiệm ấy mà tôi nghĩ rằng ở các viện nghiên cứu ở Việt Nam chúng ta nghiên cứu chủ yếu phục vụ nghiên cứu, còn chúng tôi nghiên cứu phục vụ hành động, những chương trình cụ thể. Chính vì điều đó mà tôi cũng thường hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam vì tôi nghĩ là Vườn ươm giấc mơ Việt Nam không thể riêng rẽ được, mỗi người ví như là một transtor, ở đây là sự tích hợp các transtor lại thành những con chip. Thời đại mang tính thích hợp, cho nên tính tích hợp là vô cùng quan trọng. Còn riêng lẻ sẽ không giải quyết được. Với kinh nghiệm của tôi ở nước Nhật nửa thế kỷ tôi thấy cần phải làm điều đó. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng Nhật Bản là mô hình chúng ta rất cần nghiên cứu, học hỏi.
PV: Trong quá trình huy động nguồn chất xám kiều bào cũng như huy động các doanh nhân, trí thức kiều bào về trong nước thì mô hình Vườn ươm giấc mơ Việt Nam của giáo sư có hoài vọng gì trong việc tham gia vào quá trình kết nối này?
Giáo sư Nguyễn Trí Dũng: Thực sự tôi cho rằng anh em rất tâm huyết, đưa ra những ý kiến tôi cho là hay. Nhưng mà tôi cho rằng mới mang tính chất gợi ý. Có thể là có nhiều mặt chưa phù hợp với Việt Nam. Tôi nghĩ là cần phải qua quá trình nghiên cứu lại. Ví dụ, chúng ta nói về đô thị thông minh, chúng ta nói về vấn đề giao thông. Tôi nghĩ là cách giải quyết của Việt Nam nó không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà nó còn phải phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ việc ngồi lại với nhau để tính toán từng vấn đề cụ thể để tìm phương thức phù hợp nhất đối với Việt Nam. Phù hợp nhất có nghĩa là chúng ta phải tận dụng cái gì chúng ta có, khéo léo nhưng phải phù hợp. Chúng ta không nhất thiết cái gì cũng cứ phải thông minh, nhưng khéo léo vận dụng cái chúng ta có để làm việc ít tiền hơn, hiệu quả hơn thì tôi nghĩ đó là lối đi của Việt Nam chúng ta. Tôi là chuyên gia nên cũng tác động lên chính sách của Nhật để nguồn ODA của nước này đi vào định hướng đúng hơn, Từ trước đến giờ, ODA của Nhật ít vào nông nghiệp, tôi vận động để đi vào nông nghiệp và tôi vận động để có nguồn ODA của chính phủ Nhật vào tỉnh Lâm Đồng để làm Trung tâm phân phối hoa và rau để làm mô hình để các tỉnh khác có thể nghiên cứu được.
PV: Vâng, xin cảm ơn giáo sư.