Cựu chiến binh Việt Nam: sẵn sàng kết nối và hỗ trợ cộng đồng

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Hội cựu chiến binh cũng tập trung vào nhiều chương trình hợp tác quốc tế,  tăng cường liên kết với các Hội cựu chiến binh người Việt ở các nước và thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội. 

Hội Cựu chiến binh Việt Nam vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022. Những chương trình và mục tiêu  mà Hội đặt ra trong nhiệm kỳ này là  giúp các hội viên cựu chiến binh đóng góp vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.  Hội cựu chiến binh cũng tập trung vào nhiều chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt, củng cố tổ chức Hội và tăng cường liên kết với các Hội cựu chiến binh người Việt ở các nước cũng như thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam về những nội dung này:

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Song Phi, Đại hội Hội cựu chiến Việt Nam vừa được tổ chức thành công. Những mục tiêu và hành động mà Đại hội đưa ra nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ được Hội triển khai như thế nào? 

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Có 4 việc cần quan tâm. Thứ nhất, chỉ đạo các cấp cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là vấn đề khẩn trương, xác định là nhiệm vụ chủ yếu.  Thứ hai, chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì cựu chiến binh cũng là lực lượng lớn tham gia và đạt nhiều kết quả. Nhiệm kỳ tới, đưa ra để bàn và đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, ủng hộ giúp đỡ cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn liên quan tới kinh tế, công ăn việc làm, ủng hộ bằng nguồn vốn, quỹ để cựu chiến binh tham gia sản xuất.

 Cựu chiến binh Việt Nam: sẵn sàng kết nối và hỗ trợ cộng đồng - ảnh 1 Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam

Thứ ba, chúng tôi thực hiện lời chỉ đạo của Tổng Bí thư là chăm lo đào tạo thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ là một lực lượng quan trọng,  nhiều chiến sĩ quân nhân tham gia nhiệm vụ trở về sau này là cựu chiến binh nhưng cũng là đoàn viên thanh niên, nên chúng tôi quan tâm giáo dục  ý thức, trách nhiệm, ký kết phối hợp với thanh niên lập thân lập nghiệp. ở đâu có đoàn, ở đó có cựu chiến binh. Thứ 4, tập trung xây dựng Hội các cấp trong sạch vững mạnh trong phòng chống diễn biến hòa bình, tự diễn biến… 

PV: Thưa ông, trong những mục tiêu mà Hội đề ra, hoạt động đối  ngoại cũng sẽ tiếp tục được quan tâm , đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế? 

Trung tướng Nguyễn Song Phi:  Nhiệm kỳ tới đây, hoạt động đối ngoại là nhiệm vụ sẽ tiếp tục được quan tâm. Thời gian qua, Hội đã có quan hệ với 23 Hội cựu chiến binh các nước trên thế giới, nhất là Hội cựu chiến binh các nước ASEAN. Rồi các nước Đông Âu, ở đó đã thành lập Hội cựu chiến binh như Pháp, Đức, Nga… Chúng tôi quan tâm quan hệ chặt chẽ với Lào để làm tốt công tác đối ngoại nhân dân ở hai đường biên giới. Đối với Campuchia, thời gian qua, giúp đỡ cho Hội cựu chiến binh nhiều giải pháp để phát triển theo đặc thù của Campuchia. Gắn kết các hoạt động của các Hiệp Hội cựu chiến binh các nước Đông Nam Á  gọi là VECONAX. Năm 2019 Hội cựu chiến  Việt Nam đảm nhiệm Đại hội luân phiên, quảng bá hình ảnh Việt Nam đồng thời quảng bá hoạt động của Hội cựu chiến binh Việt Nam. Vì thế, các đoàn Anh, Pháp, Mỹ khi sang đều được Nhà nước cho phép trực tiếp làm việc với Hội cựu chiến binh Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin. Đặc biệt, đối với các nơi tham chiến với chúng ta, thì cần cung cấp thông tin tìm kiếm, cất bốc hài cốt. Khi đến, có thông tin khá tốt và chúng tôi đều kết nối tốt.

PV: Vậy làm sao để có sự kết nối đối với các Hội cựu chiến binh người Việt ở các nước, thưa ông? 

Trung tướng Nguyễn Song Phi: Hội cựu chiến binh  người Việt trước đây chưa có hoạt động cụ thể. Nhưng sau khi Nghị định sửa đổi 157 đề cập đến các Hội cựu chiến binh các nước Đông Âu. Thành lập Hội cựu chiến binh của 6 nước Đông Âu. Hàng năm, chúng tôi đều thông báo kế hoạch để các Hội cựu chiến binh nắm được. Ngược lại, đại diện các Hội cựu chiến binh các nước Đông Âu cũng có báo cáo hoạt động về, từ đó, những vấn đề gì cần đề xuất, tham mưu, những vấn đề gì cần hỗ trợ giúp đỡ để hoạt động đúng chức năng. Đó là kết nối tốt nhưng đồng thời phải thận trọng vì làm sao để các thành viên quan hệ tốt với cấp ủy chính quyền ở nước sở tại. Điều đáng mừng là vừa rồi Nga đã cho phép thành lập Hội cựu chiến binh người Việt tại Nga. Hoạt động rộng khắp, trên 3 ngàn hội viên, hoạt động phát huy truyền thống bản chất bộ đội Cụ Hồ, giúp nhau và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

PV: Trong chiến tranh, cựu chiến binh là những người chiến sĩ tham gia bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, cựu chiến binh là những tấm gương sáng trong các hoạt động xã hội từ thiện. Ông có thể thông tin về những hoạt động này?

Trung tướng Nguyễn Song  Phi: Đây là nhiệm vụ của Hội và của các cựu chiến binh hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương. Trên 3 triệu hội viên nằm rải rác ở các địa phương, bộ phương và xác định luôn cố gắng giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, là Hiệp hội doanh nhân Cựu chiến binh là những cựu chiến binh làm chủ các doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều những cựu chiến binh là các doanh nhân đã đóng góp tốt cho các hoạt động xã hội từ thiện, để lại dấu ấn tốt. Như cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, chủ tịch Hiệp hội cựu chiến binh Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội golf Long Thành… Đối với các Hội viên thì ngoài xóa đói giảm nghèo, thì hàng năm, xây dựng quỹ vì Trường Sa, vì biển đảo. Vừa qua, số tiền ủng hộ cảnh sát biển, hải quân, đóng tàu cao tốc cho hải quân trên biển. Ở đất liền, hoạt động từ thiện giúp đỡ chương trình con em cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hiện nay, cựu chiến binh có 1 làng hữu nghị nuôi dưỡng hàng trăm con em cựu chiến binh bị nhiễm. Quỹ nghĩa tình đồng đội, quỹ trường Sa và Quỹ 27/7 lên đến 103 tỷ đồng để giúp đỡ cho những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, con em của họ.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng! 

Feedback