Công tác kiều bào trong thời đại 4.0

Hoàng Hướng, Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Văn hóa đã mang lại sự kết nối rất vững chắc trong cộng đồng chúng ta"...

Có lẽ chưa khi nào người Việt khát khao kết nối, vươn lên, hay nói đúng hơn là mong muốn có những bước phát triển nhanh hơn, sự chuyển mình nhanh hơn để hội nhập cùng thế giới đến như thế!

Khát khao đó được thể hiện nổi bật với phong trào khởi nghiệp trong đó, công nghiệp 4,0 là tiền đề là cú hích, và cộng đồng hơn 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài đã và đang tích cực tham gia vào quá trình đó, sự vận động đó.

Chúng tôi có mời đến phòng thu Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bộ ngoại giao và Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân – chị dù đang theo học Tiến sĩ âm nhạc tại Rumani, nhưng đang có những nỗ lực vượt bậc để đưa cây đàn cello lan tỏa và thăng hoa tại quê hương Việt Nam.

Công tác kiều bào trong thời đại 4.0 - ảnh 1

Biên tập viên VOV5 và các khách mời

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

BTV: Thưa nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, thường những nghệ sĩ của Việt Nam khi tu nghiệp ở nước ngoài thành danh hay đi biểu diễn ở các dàn nhạc lớn trên thế giới. Còn chị thì ngược lại, chị chọn quê hương Việt Nam để giới thiệu nhạc thính phòng?

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Lời đầu tiên tôi muốn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể quý vị. Trong luận văn mà tôi đang theo học tại Bucharest, Rumani, tôi viết về chủ đề “Biểu diễn và phổ biến cây đàn cello tại Việt Nam”. Chủ đề này khiến cho tôi luôn hướng về Việt Nam, nơi cội nguồn. Dù tôi đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng khi biểu diễn ở Việt Nam thì thường có cảm xúc khác hẳn, hạnh phúc vô cùng. Khi biểu diễn ở nước ngoài, tôi có những áp lực, và những áp lực đó tạo cho tôi động lực phải biểu diễn thế nào để tự hào mình là người Việt Nam. Còn về quê hương thì là cảm xúc khác, rất khó tả. Tình yêu quê hương đất nước khiến tôi luôn muốn về Việt Nam biểu diễn.

BTV: Qua tâm sự của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, tôi cũng có thể cảm nhận được, sống và làm việc ở nước ngoài hay trong nước là lựa chọn của mỗi cá nhân, miễn sao điều đó thỏa mãn được đam mê của mình.

Thưa Đại sứ Lương Thanh Nghị, từ câu chuyện của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, nếu gắn công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, ông thấy có điểm gì mới, khác biệt đã và đang diễn ra, đặc biệt là đối với những người Việt trẻ đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài?

Công tác kiều bào trong thời đại 4.0 - ảnh 2 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị trao giấy khen của Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. 

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Trước hết, nhân dịp năm mới 2019, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới hơn 4,5 triệu người dân Việt Nam đang định cư, làm việc, học tập tại nước ngoài. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới. Từ câu chuyện của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, có thể thấy sự giao thoa về văn hóa Đông – Tây cũng như giữa trong nước và nước ngoài ngày càng nổi trội. Đặc biệt, ngoài việc mang văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc ra giới thiệu cho công chúng quốc tế cũng như giới thiệu cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài thì những người Việt ở nước ngoài cũng đang gánh vác sứ mệnh truyền bá tinh hoa văn hóa thế giới cho công chúng trong nước thưởng thức. Đó là điều rất mới, và giới trẻ người Việt ở nước ngoài đang làm rất tốt việc này. Trong thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ người Việt được đào tạo cơ bản ở nước ngoài đã trở về biểu diễn trong nước như chị Đinh Hoài Xuân, hay nghệ sĩ opera Ninh Đức Hoàng Long, nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành… Điều đó thể hiện sự hội nhập về văn hóa ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong đời sống tinh thần của công chúng không những ở trong nước mà cả người Việt ở nước ngoài.

BTV: Xin cảm ơn Đại sứ Lương Thanh Nghị. Thưa nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, nhạc thính phòng ở Việt Nam còn kén công chúng, đặc biệt cây đàn cello chưa được phổ biến lắm. Chị có gặp khó khăn gì không khi tổ chức các chương trình hòa nhạc trong nước thời gian vừa qua?

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Thực ra khó khăn thì có muôn vàn, nhưng nếu tình yêu của mình lớn thì tôi nghĩ là vẫn có thể làm được. Chuỗi chương trình Hòa nhạc Cello Fundamento là những minh chứng rõ ràng nhất. 5 năm trước, trước khi tôi sang Rumani du học, thì nhiều người vẫn nghĩ rằng cây đàn cello hay âm nhạc giao hưởng thính phòng vẫn kén người nghe. Thế nhưng thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới, không chỉ thông qua chương trình Hòa nhạc Cello Fundamento mà tôi là người sáng lập, mà còn rất nhiều dàn nhạc khác đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong tương lai không xa, khoảng cách đó sẽ ngày càng được rút ngắn, thậm chí sẽ không còn khoảng cách. Tôi rất hi vọng và rất nỗ lực để biến ước mơ đó trở thành hiện thực. Trong bất kỳ công việc nào với âm nhạc giao hưởng hay cây đàn cello, những khó khăn mà tôi gặp phải có sự khác nhau qua từng giai đoạn, nhưng tôi thấy những khó khăn đó mỗi ngày đang dần ít đi rất nhiều.

BTV: Tôi đã dõi theo cả một quá trình hoạt động của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân với những nỗ lực cùng cây đàn cello. Rất cảm ơn chị với những nỗ lực đó, với chuỗi Hòa nhạc Cello Fundamento có tiếng vang lớn.

Thưa Đại sứ Lương Thanh Nghị, trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta nói nhiều tới công nghệ 4.0, hay blockchain, thì việc kết nối với kiều bào mở ra những cơ hội gì trong thời gian tới? 

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Tôi xin vui mừng thông báo rằng cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang ngày càng phát triển ổn định và hội nhập sâu vào xã hội sở tại. Đặc biệt, giới trẻ cũng như lực lượng trí thức kiều bào đang ngày càng có xu hướng trở về quê hương để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Trong năm 2018, với sự nỗ lực của các cấp các ngành, các cơ quan hữu quan, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát huy, tận dụng nguồn lực trí thức khoa học công nghệ của người Việt ở nước ngoài, phục vụ cho những vấn đề thiết thực, mang hơi thở thời đại. Tiếp sau thành công của hội nghị kết nối khởi nghiệp giữa kiều bào trong và ngoài nước tại Hoa Kỳ cuối năm 2017, tháng 6/2018 chúng tôi đã tổ chức Hôi nghị kết nối khởi nghiệp Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hơn 200 kiều bào ở nước ngoài. Kiều bào đã đóng góp nhiều ý tưởng, đặc biệt trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo kịp trào lưu của quốc tế, đồng thời phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời gian tới. Đến tháng 8/2018, chúng tôi phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức gặp mặt 100 thanh niên kiều bào tiêu biểu trên toàn thế giới, để thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Qua cuộc gặp này, các bạn đã hiến kế, đề xuất các kiến nghị xác đáng để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo và xây dựng chiến lược phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới cho Việt Nam.

BTV: Đại sứ Lương Thanh Nghị vừa cho biết, cùng với các cơ quan ở trong nước thì giới trí thức kiều bào cũng đã tự lập ra nhiều mạng lưới, diễn đàn để cùng nhau đóng góp cho quê hương.

Với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, chị có thể chia sẻ gì về điều này? Hay nói cách khác, cây đàn cello đã giúp âm nhạc Việt thăng hoa như thế nào?

Công tác kiều bào trong thời đại 4.0 - ảnh 3 Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Tôi gắn bó với cello từ bé, nên mọi việc đều xoay quanh âm nhạc và cây đàn cello. Trong những lần biểu diễn như Hòa nhạc Cello Fundamento 1, 2, 3, luôn có một tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam ở cuối chương trình. Tôi không những muốn đem tinh hoa âm nhạc của các thiên tài trên thế giới về để phát triển hơn nữa âm nhạc Việt Nam, để cello ngày càng được biết đến nhiều hơn, mà thông qua chương trình tôi cũng luôn có một tác phẩm dân gian Việt Nam để kết nối văn hóa với bạn bè năm châu. Tôi nghĩ rằng thông qua âm nhạc, thông qua những tác phẩm dân gian đó để mình quảng bá, mình đem cái đẹp, cái hay đến với bạn bè quốc tế.

BTV: Câu chuyện của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cũng đã gợi mở ra những ý tưởng mới. Vậy theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, để tập hợp kiều bào vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì cần thực hiện những nội dung gì?

Công tác kiều bào trong thời đại 4.0 - ảnh 4Ông Lương Thanh Nghị trao 02 tấn gạo nếp của ông Nguyễn Ngọc Thìn, kiều bào Thái Lan, tặng bộ đội hải quân.

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Tôi rất tâm đắc với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân khi đề cập tới khát khao tuổi trẻ muốn cống hiến cho quê hương. Điều này cũng đúng với tinh thần của cộng đồng người Việt trẻ ở nước ngoài. Có nhiều bạn trẻ đã từ bỏ môi trường sống với điều kiện làm việc rất tốt ở nước ngoài để về Việt Nam làm việc. Đầu năm 2018 chúng tôi đã cùng các kiều bào trẻ thiết lập mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp, hiện đang hoạt động rất tích cực. Quay trở lại câu chuyện khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, chúng ta có nhiều mang lưới trí thức người Việt ở nước ngoài. Ví dụ như Hội chuyên gia khoa học người Việt toài cầu, Nhóm sáng kiến Việt Nam ở Hoa Kỳ, và ở hầu hết các quốc gia đều có các Hội hay các Câu lạc bộ trí thức người Việt. Hiện nay có khoảng 500-600 ngàn trí thức kiều bào, và họ thường xuyên có sự cộng tác với trong nước. Các nhà khoa học kiều bào đóng góp vào nhiều lĩnh vực cụ thể như năng lượng sạch, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… là những cấu thành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, từ việc được đào tạo và trải nghiệm trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển ở nước ngoài, họ đã đề xuất những ý tưởng rất phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

BTV: Ở khía cạnh văn hóa, có lẽ câu nói của Đại sứ Lương Thanh Nghị đúng với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, đang khởi nghiệp với cây đàn cello. Khi chị biểu diễn ở nước ngoài, các khán thính giả biết đến âm nhạc Việt Nam như thế nào?

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Trong các buổi diễn, ngoài những tác phẩm phải có – là những tác phẩm cổ điển, chưa bao giờ tôi thiếu một tác phẩm của Việt Nam. Với tôi, điểu này là quan trọng nhất, và chính điều này cũng đã làm nên sự khác biệt của tôi đối với các nghệ sĩ khác. Những khán giả nước ngoài hấu như chưa nghe được các tác phẩm Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm dân gian Việt Nam được biểu diễn bằng các nhạc cụ phương Tây. Điều này tạo nên sự cộng hưởng rất hấp dẫn, lạ, cuốn hút, và tạo nên bản sắc riêng. Khi nhận được sự đón nhận của khán giả, tôi ngày càng phát huy thêm và có thêm sự sáng tạo trong các tác phẩm biểu diễn sau đó. Tôi chọn các tác phẩm phù hợp với từng chương trình, và có thêm sự giải thích cho từng tiết mục trước khi biểu diễn, làm cho khán giả càng thích thú hơn. Dần dần từng bước đưa âm nhạc, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, và tôi vô cùng hạnh phúc vì điều đó.

BTV: Nghệ sĩ Đinh Hoài vừa nói đến việc giao thoa văn hóa, và câu chuyện giới thiệu văn hóa VN ở nước ngoài cũng là vấn đề cần đề cập phải không thưa Đại sứ Lương Thanh Nghị?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Đúng như vậy. Với bất cứ quốc gia nào, việc giới thiệu văn hóa ra nước ngoài để công chúng hiểu thêm về đất nước mình là điều rất có ý nghĩa. Người ta thường ví văn hóa cũng là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia. Do vậy, chúng tôi rất chú trọng việc hỗ trợ cộng đồng ở nước ngoài duy trì bản sắc văn hóa, trong đó có việc dạy và học tiếng Việt. Nhưng chia sẻ của chị Đinh Hoài Xuân, người Việt luôn có ý thức hướng về cội nguồn, và sự sáng tạo trong văn hóa thể hiện rất rõ không những với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân mà với nhiều nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài. Nếu gặp cộng đồng người Việt ở bất cứ địa bàn nào, chúng ta có thể thấy nét văn hóa Việt Nam thể hiện rất rõ từ ẩm thực tới âm nhạc và các lĩnh vực khác liên quan đến văn hóa. Chúng tôi đánh giá rất cao ý thức tự thân của cộng đồng trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ hai, các cơ quan đại diện ở nước ngoài thời gian vừa qua đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc phát huy, bảo tồn và giữ gìn văn hóa Việt Nam. Trong mỗi dịp như Quốc khánh hay tết cộng đồng đều có những tiết mục biểu diễn của những nghệ sĩ không chuyên chính trong cộng đồng. Đây cũng là dịp để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

BTV: Vâng cảm ơn Đại sứ Lương Thanh Nghị. Xin được hỏi nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân. Là nghệ sĩ người Việt làm việc ở nước ngoài, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, cũng như có đề xuất phương thức giới thiệu văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế tốt nhất?

Công tác kiều bào trong thời đại 4.0 - ảnh 5                              Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Tôi nghĩ mỗi người, mỗi địa bàn sẽ có những phương thức riêng. Đối với bản thân tôi, tôi luôn tìm hiểu và cởi mở khi biểu diễn, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế. Như vậy, tôi sẽ tìm được sự đồng cảm, cũng như các nghệ sĩ quốc tế sẽ cảm thấy thích thú về Việt Nam, cảm thấy cuốn hút với những bản nhạc Việt Nam mà tôi trình diễn. Thông qua đó, tôi tìm được sợi dây kết nối, từ giao lưu âm nhạc, đưa ra đề án, cộng tác, lập kế hoạch cùng nhau, và có các kế hoạch biểu diễn tại Việt Nam cũng như các nước khác. Còn những người bạn của tôi, tuy làm việc trong những lĩnh vực không liên quan đến âm nhạc nhưng họ cũng có những cách riêng, thông qua những hoạt động giao lưu, những buổi hội thảo để lồng ghép những gì liên quan đến bản sắc văn hóa, âm nhạc Việt Nam. Với tôi, ước mơ lớn nhất là làm thế nào để các nghệ sĩ quốc tế biết được Việt Nam nhiều hơn, cũng như tôi có thể truyền được một chút cảm hứng về âm nhạc cho các bạn nhỏ để tương lai Việt Nam mình có thêm những nghệ sĩ cello chẳng hạn…

BTV: Qua câu chuyện mà nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân vừa chia sẻ, cũng như những điều mà Đại sứ Lương Thanh Nghị vừa nói, có thể thấy thời gian qua chúng ta đã tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa ở các nước. Việc kết nối các cộng đồng ở các nước trong việc phát huy và bảo tồn văn hóa cần được tổ chức thế nào cho phù hợp, đặc biệt là ý tưởng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu, thưa Đại sứ Lương Thanh Nghị?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Văn hóa đã mang lại sự kết nối rất vững chắc trong cộng đồng chúng ta. Có thể có những nhóm khác nhau, ra đi với những lý do, hoàn cảnh khác nhau, thậm chí có những ý kiến khác biệt, thế nhưng riêng văn hóa thì bà con lại luôn có sự thống nhất. Bà con có rất nhiều sáng kiến, ví dụ trong những dịp tết Nguyên đán hay Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con ở nước ngoài luôn tổ chức các hoạt động văn hóa để kỉ niệm. bản thân cộng đồng cũng ý thức được việc duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Bà con thành lập nhiều nhóm hoạt động văn hóa qua rất nhiều thế hệ. Khi đi thăm cộng đồng, chúng tôi đã rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi gặp các cháu nhỏ tuổi mà đã chơi được các nhạc cụ dân tộc, hát được những bài đồng dao rất hay, rất xúc động. Liên quan tới dự án Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu, nhóm thực hiện đề án đã tổ chức ở một số nước Đông Au và nhận được sự phản hồi tích cực của bà con. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhóm thực hiện hoàn thiện đề án này, có thể coi đó là một đề tài khoa học để phát triển nội hàm văn hóa thông qua việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở các nước, làm sao để cộng đồng ta tổ chức sự kiện này theo mô hình chung, có sự sáng tạo theo từng địa bàn cụ thể. Tất nhiên là còn nhiều việc cần phải làm liên quan đến dự án này, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu trong tương lại mà dự án này thành công thì đó sẽ là cầu nối văn hóa hữu hiệu giữa Việt Nam với các nước, đồng thời sẽ là một nhân tố gắn kết cộng đồng ta ở nước ngoài rất chặt chẽ.

BTV: Đại sứ Lương Thanh Nghị và nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân vừa nói nhiều tới việc phát huy thế mạnh của cộng đồng kiều bào trong việc gắn kết với quê hương, bảo tồn văn hóa. Với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, chị có dự định gì với cây đàn của mình trong thời gian tới?

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Trước mắt, tôi sẽ hoàn thiện Luận văn biểu diễn với dàn nhạc Bucharest với tư cách là một nghệ sĩ solo tại nước ngoài. Trong chương trình này tôi sẽ biểu diễn một tác phẩm nước ngoài và một tác phẩm Việt Nam – đó cũng hoàn thành ỳ thi tốt nghiệp của tôi. Bên cạnh đó, hàng năm tôi vẫn muốn phát triển chuỗi Hòa nhạc Cello Fundamento. Đã xác định gắn bó lâu dài với cây đàn cello, nên tình yêu đó sẽ dẫn lối đưa đường để tôi có thể làm tốt nhất các chương trình, dự định của mình.

BTV: Vâng, và Đại sứ Lương Thanh Nghị có thể chia sẻ những mong muốn của ông trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 trọng tâm công tác lớn liên quan đến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Thứ nhất là thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc - đây là một nhân tố hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước, cũng như sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ tổ chức một loạt sự kiện để tạo điều kiện cho kiều bào trở về quê hương được gắn bó với người trong nước, và đó cũng là điều kiện để kiều bào ở các địa bàn khác nhau giao lưu với nhau. Trước hết chúng tôi sẽ tổ chức Xuân quê hương, vào ngày 26/1 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Chúng tôi hy vọng Xuân quê hương sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về đón Xuân, vui Tết. Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức các sự kiện như tổ chức cho đoàn kiều bào đi thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK, hay tổ chức Trại hè thanh thiếu niên với quy mô được mở rộng… Trọng thâm thứ hai, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng bà con kiều bào hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó chú trong việc dạy và học tiếng Việt. Trọng tâm thứ ba là phát huy hơn nữa tiềm lực trí thức và khoa học công nghệ của kiều bào, đặc biệt là kiều bào trẻ đóng góp vào sự phát triển đất nước. Đó là 3 trọng tâm chính. Chúng tôi cũng mong cộng đồng ta ở nước ngoài, với ý thức hướng về cội nguồn, luôn sáng tạo và mong muốn đất nước mình phát triển, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

BTV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Lương Thanh Nghị và nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân.

Feedback