Bình Định: điểm đến của các di sản văn hóa

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Việc bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa  của các di sản gắn với du lịch luôn được các ngành chức năng của tỉnh Bình Định quan tâm. 

Tỉnh Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương Quốc Chămpa. Đây cũng là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng đa dạng và phong phú. Bình Định cũng có một số di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và một số di sản văn hóa phi vật thể đang được tỉnh làm hồ sơ đệ trình lên Trung ương công nhận. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa  của các di sản gắn với du lịch luôn được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm. Trong đó, Sở văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định,  là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời trực tiếp thực hiện. Phóng viên đài TNVN phỏng vấn ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định về những nội dung này.

Nghe âm thanh tại đây:

 

1. PV: Thưa ông, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch được Sở văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định quan tâm thực hiện như thế nào?

Khách mời:Trong những năm qua, Sở văn hóa và thể thao Bình Định rất quan tâm tới công tác bảo tồn,  phát huy các di tích trên địa bàn tỉnh và các lễ hội truyền thống. Chúng tôi triển khai một số nhiệm vụ, phối hợp với Sở du lịch, Hiệp hội du lịch tăng cường quảng bá, thông qua rất nhiều kênh thông tin, như là các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông, nhất là thông qua mạng xã hội, trong các dịp Tết Nguyên Đán, dịp lễ, ban hành các kế hoạch, mời các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền. Đối với các hệ thống di tích, trong những năm qua, chúng tôi tập trung công tác trùng tu, tôn tạo, đầu tư kinh phí để chống xuống cấp, xây dựng hạ tầng cảnh quan, để mỗi di tích là một địa chỉ cho khách du lịch đến tham quan. Chúng tôi cũng nâng cao chất lượng phục vụ du khách, trang bị hệ thống quét mã QR code. Chúng tôi nâng cao chất lượng công tác thuyết minh để du khách khi tới các nơi này được phục vụ tốt nhất. Đối với các lễ hội truyền thống, chúng tôi rà soát lại, nâng tầm các lễ hội, theo hướng phục dựng các nghi lễ như trong truyền thống vốn có. Chúng tôi tăng cường tổ chức phần hồi để nâng cao chất lượng phục vụ cho nhân dân, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách khi về thăm Bình Định cũng như các lễ hội ở đây.

2. PV: Thưa ông, rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh được xếp hạng, trong đó, Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị nước Mặn được  Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là  Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia. Sở văn hóa và thể thao tỉnh làm gì để phát huy những giá trị di sản văn hóa này?

Khách mời: Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị nước Mặn được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa  Phi vật thể quốc gia.Trong thời gian qua, Sở phối  hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phước, tổ chức lễ đón nhận Bằng của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch. Hiện nay, Sở văn hóa  và thể thao  phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phước đang xây dựng một đề án tổng thể về quản lý, bảo tồn và phát huy lễ hội này. Định hướng mà chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới, đó là khôi phục lại nghi lễ truyền thống, trong đó gắn với tín ngưỡng dân gian và yếu tố tâm linh vốn có của lễ hội truyền thống này.

Bình Định: điểm đến của các di sản văn hóa - ảnh 1Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở văn hóa và thể thao Bình Định

Chúng tôi phát huy vai trò chủ thể của di sản này chính là cộng đồng nhân dân địa phương và hiện nay, đang có một ban quản lý di tích chính là những nghệ nhân am hiểu và là người tại địa phương đó. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò quản lý, bảo tồn, gìn giữ của người dân địa phương tiếp tục tuyên truyền di sản này. Và một điểm nữa là, đề xuất cho các cơ quan chức năng quy hoạch tổng thể không gian của lễ hội này, gắn với di tích lịch sử Chùa Bà để làm sao đây thực sự là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, tự hào là một vùng cảng thị sầm uất trong quá khứ, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn du khách vào dịp mùa xuân.

3. PV:Vậy định hướng trong thời gian tới, Sở văn hóa và thể thao tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định như thế nào trong công tác quản lý nhà nước đối với các di sản,di tích lịch sử văn hóa,góp phần quảng bá các điểm đến cho du khách?

Khách mời: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp, quản lý di tích theo hướng, những di tích nào mà Sở quản lý tốt hơn thì giao cho Sở văn hóa và thể thao tỉnh; Những di tích nào mà địa phương có điều kiện quản lý tốt hơn thì giao cho địa phương quản lý, gắn vào đó trách nhiệm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích đó. Chúng tôi cũng tiến tới là hướng dẫn cho các địa phương thành lập ban quản lý cho từng di tích để làm sao hạn chế tới mức thấp nhất sự xâm hại, vi phạm trong các di tích đã được công nhận; Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân địa phương để từng người dân hiểu rõ giá trị của các di tích, đồng thời người dân địa phương chính là chủ thể của các di tích đó.

4.PV: Công tác tuyên truyền là giải pháp rất quan trọng, thì có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Khách mời: Phải nói có những mặt thuận lợi, bên cạnh đó, cũng có những khó khăn. Chúng tôi thấy rằng là nhân dân các địa phương, nhất là người dân ở xung quanh các khu di tích chưa nắm rõ giá trị của di tích, chưa nắm rõ những quy định của pháp luật đối với quản lý di sản nói chung, di tích nói riêng. Cho nên đâu đó, còn một vài địa phương, trong công tác quản lý trong quá trình sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động ở địa phương có ảnh hưởng nhất định tới các di tích đã được công nhận.

5. PV: Được biết, võ cổ truyền Bình Định được Ủy ban nhân dân tỉnh lập hồ sơ đề nghị  Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Chính phủ đưa vào danh mục đề cử lên Tổ chức Văn hóa Khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc UNESCO ghi danh, tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Vậy với chức năng của mình, Sở có giải pháp gì để phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định?

Khách mời: Sở văn hóa và thể thao đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù như là hỗ trợ dinh dưỡng, khen thưởng cho những vận động viên, huấn luyện viên thi đấu các giải thể thao thành tích cao, tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đối với các giải thể thao quần chúng, trong đó có võ cổ truyền.Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu chính sách cho các lò võ cổ truyền tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động thi đấu ở tỉnh cũng như là ở các địa phương, cử các vận động viên, huấn luyện viên tham gia các giải thi đấu trong nước và quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Feedback