Australia luôn ưu tiên hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

Văn Phương Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Australia phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn, kiến thức và cả sự say mê làm nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của người dân ĐBSCL.

“Kể từ năm 2.000 đến nay, Australia đã đầu tư hơn 650 triệu đô-la Australia vốn viện trợ phát triển (ODA) cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt tại ĐBSCL” - Đây là khẳng định của Phó Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM Ciaran Chestnut mới đây trong chuyến công tác tham quan trực tiếp các dự án mà chính phủ Australia đang hỗ trợ tại khu vực đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Về nội dung này, Phương Hoa, PV Đài TNVN  phỏng vấn ông Ciaran Chesnut về những dự án “thuận thiên” và kỳ vọng hợp tác Australia - Việt Nam tại ĐBSCL.  

         Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:     

PV: Thưa ông, vì sao Australia lại chọn ĐBSCL để hỗ trợ các dự án trọng điểm trong tổng thể chương trình viện trợ tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu?

Ông Ciaran Chestnutt: Cam kết của Australia và Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ nét trong việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Đối với ĐBSCL, đây là khu vực đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, cũng là khu vực đang đối diện nhiều thách thách như tăng trưởng kinh tế thấp, thiếu vốn đầu tư, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu... Chính phủ Việt Nam luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Australia đã gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu đó của các bạn. Đó là lý do chúng tôi có các cam kết tài trợ đáng kể cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Australia luôn ưu tiên hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - ảnh 1Phó Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM Ciaran Chestnu

PV: Thưa ông, việc hai nước mới đây nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tác động ra sao đến các dự án hỗ trợ của Australia tại ĐBSCL?

Ông Ciaran Chestnutt: Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mới đây rất phù hợp với các dự án mà chúng tôi đã theo đuổi tại khu vực. Nhìn lại từ năm 2.000 đến nay, Australia đã hỗ trợ hơn 650 triệu đô-la Australia (AUD) vốn viện trợ phát triển ODA cho ĐBSCL. Xin lưu ý con số này không bao gồm hai công trình mà chúng tôi hỗ trợ là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã công bố gói hỗ trợ bổ sung thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL trị giá 94,5 triệu AUD giai đoạn 2023-2034.

Rộng hơn, từ năm 2020, Australia công bố giai đoạn đầu triển khai Chương trình Đối tác Mekong-Australia (MAP) trị giá 232 triệu AUD, nhằm tăng cường khả năng phục hồi cũng như hỗ trợ tăng trưởng toàn diện và bền vững của các quốc gia lưu vực sông Mekong. Mới đây, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia, Ngoại trưởng Penny Wong đã công bố giai đoạn 2 của Chương trình Đối tác Mekong-Australia (MAP) trị giá 222,5 triệu AUD trong 5 năm tới, với trọng tâm là cải thiện an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu... Khi hai nước hiện thực hoá Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa đạt được, những gói hỗ trợ thế này chắc chắn sẽ được ưu tiên hàng đầu.

PV: Vâỵ thời gian tới để các dự án mà Australia hỗ trợ Việt Nam tại ĐBSCL hoạt động hiệu quả hơn nữa - đặc biệt trong thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị bản địa của khu vực thì chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Ông Ciaran Chestnutt: Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng làm nên sự thành công của các dự án mà chúng tôi đã ghé thăm. Có thể kể đến dự án: “Giải pháp thuận thiên thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” tại tỉnh Long An; Dự án “Chuyển đổi chuỗi lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” tại tỉnh Đồng Tháp; Dự án “Nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn” tại tỉnh Cà Mau…

Có thể nói, Australia phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn, kiến thức và cả sự say mê làm nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của người dân ĐBSCL. Nếu không có tinh thần tích cực từ địa phương, chúng tôi sẽ không thể triển khai hiệu quả những dự án này. Việc có được những đối tác mạnh là cực kỳ quan trọng, vì thế, thông qua hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương và phát huy kiến thức, kinh nghiệm của người dân bản địa, chúng tôi tự tin đảm bảo sự thành công và tính bền vững của những sáng kiến và dự án này. 

Feedback