Tuần qua, chương trình nhận được thư của nhiều thính giả mong muốn được thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội ở Việt Nam như ngày làng nghề bát tràng, sân khấu truyền thống, quả thanh long.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Dành thời lượng tuần này, chương trình xin trả lời một số nội dung thính giả quan tâm. Trước tiên, thính giả hỏi về các hoạt động nhân ngày thương binh, liệt sĩ của Việt Nam.
Các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả ở các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, đơn vị. Theo đó, tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 27/7/2023 tại Hà Nội. Sự kiện lớn do nhiều bộ ngành phối hợp thực hiện là Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Dịp này, các địa phương, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại các địa phương và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.
Yêu cầu của bạn Monkham, ở thủ đô Vientiane, Lào, muốn tìm hiểu về trải nghiệm làm gốm ở làng nghề Bát Tràng, Hà Nội.
Làng gốm Bát Tràng có nguồn gốc rất lâu đời và nổi tiếng nhất tại Việt Nam về nghề truyền thống này. Nơi đây tập trung những sản phẩm gốm sứ, được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân tài ba. Những người thợ lành nghề sẽ hướng dẫn cách làm từ những thao tác cơ bản nhất. Sau khi hoàn thành sản phẩm của mình, du khách sẽ được thợ gốm hỗ trợ nung và đóng gói. Bảo tàng gốm Bát Tràng là địa điểm nặn gốm hấp dẫn không kém các làng nghề truyền thống. Tại đây, du khách được tham quan những gian tủ trưng bày tác phẩm theo từng thời kỳ. Đặc biết, địa chỉ nặn gốm Bát Tràng còn có không gian cho các hoạt động du lịch, ăn uống hay tổ chức các buổi workshop. Du khách có thể trải nghiệm làm gốm Bát Tràng tại khu “Bàn xoay Studio” ở tầng G của bảo tàng, sau đó mang về những sản phẩm do chính tay mình làm ra.
Thính giả Johny A.Ramirez Lopez., ở Tây Ban Nha muốn tìm hiểu về các loại hình sân khấu phổ biến tại Việt Nam?
Sân khấu truyền thống với (chèo, tuồng, cải lương… ) đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần - thẩm mỹ của các thế hệ người Việt Nam. Chèo là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự và trữ tình. Sân khấu cải lương là loại hình kịch hát rất được ưa chuộng. Âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc là ca hát dân gian và nhạc khí dân gian. Nghệ thuật tuồng có nhiều kiểu nói lối khác nhau, có nhiều làn điệu khác nhau, khi nói có nhạc khí đệm hoà theo. Sân khấu tuồng dùng sắc mặt, màu sắc để phân biệt vai nhân vật. Quan họ là một trong những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu ở vùng Bắc Ninh và Bắc Giang. Dân ca quan họ là lối hát đối đáp giữa nam và nữ. Năm 2009, UNESCO chính thức công nhận Hát Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát xoan là nghệ thuật hát tổng hợp, hát đối và đỡ giọng giữ nhịp, đây là hình thức hát thơ. Ngày 24/11/2011 UNESCO công nhận hát xoan – Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 1/10/2009. Múa rối nước là một nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay múa rối nước còn chinh phục được cả các du khách quốc tế, là nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Một số thính giả hỏi: chính sách của Việt Nam có khuyến khích sinh con thứ 3 không? Sau đây là những thông tin chúng tôi cung cấp cho các bạn:
Trong các văn bản của Nhà nước Việt Nam, không cấm người dân sinh con thứ 3. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, vùng miền và công việc, thì không khuyến khích sinh con thứ 3. Để duy trì mức sinh thay thế, cần vận động sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp và giảm sinh ở vùng có mức sinh cao. Thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con" của Việt Nam hiện đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp mới của ngành dân số Việt Nam là khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để đảm bảo sự phát triển xã hội, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi...
Thính giả Hokamura Fumito, ở Nhật Bản, muốn được nghe giới thiệu về quả thanh long của Việt Nam.
Thanh long là một loại quả nhiệt đới được trồng nhiều ở các xứ nắng và gió như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An…của Việt Nam. Loại quả này mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Khi còn non vỏ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển qua màu đỏ, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Đây là một loại nông sản có giá trị cao, không những tiêu thụ nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đáng chú ý, thanh long hiện là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất với khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2018 (chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây). Đây là loại quả có nhiều công dụng bảo vệ sức khỏe.