Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, nhiều thính giả mong muốn được biết nhiều hơn về văn hóa, ngày Tết cổ truyền của người Việt: như tục lệ xông đất, biểu tượng của con rồng....
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, chương trình tiếp tục nhận được những lời chúc từ bạn nghe đài ở khắp nơi.
Các thính giả từ Thái Lan mong muốn, năm nay, sẽ được biết đến nhiều hơn những câu chuyện về Việt Nam. Nhiều thính giả quan tâm tới các bài viết về ngày Tết cổ truyền của người Việt, cũng như một số ngày kỷ niệm trong tháng 2 như Ngày thành lập Đảng cộng sản VN, Ngày phát thanh thế giới 13/2. Thính giả Pháp Paul Jamet viết: “Tôi hy vọng rằng Ngày Phát thanh Thế giới 2024 sẽ là một thành công đối với các bạn, đối với VOV và cả với những thính giả nghe VOV suốt cả năm. Thính giả Muhammad Aqeel Bashir, ở Pakistan, gửi lời chúc mừng tới Đài TNVN nhân dịp Ngày Phát thanh Thế giới. Ông chia sẻ: “Phải thừa nhận rằng đài phát thanh tiếp tục có tác động sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta. Từ việc cung cấp những tin tức nóng hổi và chương trình giải trí đến thúc đẩy trao đổi văn hóa và gắn kết xã hội…”. Thính giả Shivendu Paul, từ Ấn Độ thông tin về cuộc gặp của các thính giả nghe đài nhân kỷ niệm Ngày phát thanh thế giới. Thính giả Vassily Kuznetsov, từ Nga, mong muốn được đến thăm đất nước Việt Nam. Nhiều thính giả trong nước cũng nhận xét nhiều bài viết cho trang web vov5 như Hội đồng hương Nghệ An tại Berlin (CHLB Đức) tặng quà Tết cho người việt gặp khó khăn; Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế…chỉ vì quá yêu tiếng Việt…
Quý thính giả thân mến, Tết cổ truyền của người Việt vừa hết nhưng dư âm vẫn còn. Những thính giả từ các nước vẫn mong muốn được biết một số phong tục liên quan tới văn hóa Tết của người Việt. Từ tỉnh Sieamreap, Capuchia, thính giả Lim Dara muốn tìm hiểu về phong tục xông đất đầu năm của người Việt và cách chọn tuổi xông đất.
Trong văn hóa của người Việt, xông nhà đầu năm là một trong những nghi thức quan trọng dịp Tết. Đây cũng là một trong những phong tục Tết còn lưu truyền đến ngày nay. Xông là tiến lên, nhập vào, đất là địa vực của gia đình đó. Bởi vậy, ngày Tết là ngày mở đầu cho một năm mới thì những người đến đầu tiên với gia đình đó chính là "xông đất". Theo tục lệ, “xông đất” còn gọi là “xông nhà” hay “đạp đất”, diễn ra sau khoảnh khắc giao thừa, khi đất trời vạn vật đã bước sang một năm mới. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới. Theo đó, chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người xông nhà thường là có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, xởi lởi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới…
Thính giả Phol Phanit gửi thư từ tỉnh Takeo, Campuchia, hỏi người Việt có mua vàng để lấy may vào đầu năm mới không?
Tục thờ Thần Tài bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX. Theo nhiều chuyên gia, việc mua vàng ngày vía Thần Tài có thể xem là một trong những phong tục vui vẻ đầu xuân. Nhiều người dùng tiền lì xì để mua một chiếc nhẫn nhỏ vừa làm của để dành cho con cái vừa lấy may đầu năm. Theo quan niệm trong văn hóa phương Đông, vàng vốn được coi là vật may mắn, hộ mệnh bình an và mang lại nhiều tài lộc cho chủ nhân, nên cứ dịp thần tài đầu năm rước lộc, ai cũng mong muốn mua vàng về nhà lấy may.
Thính giả Sou Sreyneang, Campuchia muốn tìm hiểu về ý nghĩa của nghi lễ rước “tướng bà” độc đáo tại Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) thường được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Đây là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức. Các đoàn rước giỏ hoa tre, giỏ trầu cau đều đặt lễ ở đền Thượng, không rước xuống đền Mẫu và đền Hạ. "Tướng bà" được chọn phải là một bé gái từ 9 đến 12 tuổi, gương mặt sáng sủa, ưa nhìn, phẩm chất đạo đức tốt, trong gia đình gương mẫu. Gia đình có con cháu được ngồi trên kiệu là niềm vinh dự của cả dòng tộc. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân đến trẩy hội. Nhiều người tin rằng, người nào cướp được hoa tre sẽ mang đến may mắn cho bản thân, gia đình trong năm tới và là một nét đẹp của lễ hội. Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời nên hàng năm cứ ngày mùng 6 tháng Giêng, dân làng nơi đây mở hội để tưởng nhớ Thánh Gióng. Lễ hội có đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên Đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
Thính giả Lưu Húc Huy, ở Quảng Đông, Trung Quốc, muốn biết quan điểm của người Việt Nam về con Rồng.
Nói đến Rồng -biểu tượng của phương Đông, thì Rồng với người Việt càng đậm nét hơn các nước phương Đông khác, ngay cả với Trung Hoa. Rồng Trung Hoa, thường biểu hiện cho vua chúa quyền uy. Rồng ở Việt Nam biểu tượng gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn cả dân tộc. Điều này, thể hiện là: cha ông ta và con cháu vẫn cho mình là con Rồng cháu Tiên. Quan niệm của người xưa, cho là Rồng phun ra nước, tức Rồng làm cho mưa, ra nước. Cho nên mọi người, nhất là con cháu của Rồng, cũng là thể hiện sự gắn bó với Rồng, với Tổ tiên, đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ, phù trợ cho đời sống của mình. Chính vì sự gắn bó và hy vọng tốt đẹp đó, mà người Việt có nhiều nét đậm tình đậm nghĩa, với hình ảnh đậm nét của Rồng trong đời sống. Rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội’.
Thính giả Khamphoi, ở tỉnh Bokeo, Lào, hỏi về kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giữa hai nước Lào – Việt Nam.
Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào lũy kế hết tháng 11/2023 đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 485 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 977 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm: Xăng dầu các loại; sản phẩm từ sắt thép; sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; hàng rau quả.