Tình cảm của thính giả với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những thông tin về đời sống của người Việt

Chia sẻ
(VOV5) - Trên sóng phát thanh và trang web, hàng ngày, cập nhật những tin, bài, hình ảnh về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phát triển đất nước.
Trong thư gửi về tuần qua, thính giả chia sẻ cảm xúc, tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thính giả cũng mong muốn tìm hiểu về đời sống xã hội của Việt Nam
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Trong thư gửi về chương trình, thính giả ở khắp nơi chia sẻ cảm xúc đặc biệt trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đây cũng là chủ đề nổi bật trên sóng phát thanh, cũng như các chuyên mục của trang web vov5 những ngày qua.

Trên sóng phát thanh và trang web, hằng ngày, cập nhật những tin, bài, hình ảnh về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phát triển đất nước, cũng như đường lối đối ngoại với các nước trên thế giới. Bạn bè khắp nơi đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông. Đặc biệt, với bà con kiều bào, tình cảm với ông rất sâu sắc. Là người gắn bó với làn sóng của Đài TNVN, bà Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hungary đã viết những dòng cảm xúc như sau: tháng bảy Trời Âu đang đổ lửa, mà trong lòng mưa lệ tuôn rơi…Luôn ân cần quan tâm, giúp đỡ, lắng nghe dân và làm việc vì dân. Ông Nguyễn Quốc Trường, kiều bào Ukraine, ông Hoàng Đình Thắng, kiều bào tại Cộng hòa Séc bày tỏ sự kính trọng của mình. Phóng viên các cơ quan thường trú tại các nước Lào, Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… đã phản ánh kịp thời tin, bài và hình ảnh về tình cảm  của bà con kiều bào với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quý thính giả thân mến, tiếp tục phần trả lời những nội dung mà thính giả quan tâm, chương trình xin trả lời câu hỏi đầu tiên của thính giả Keo Rithy, Campuchia về sạp báo giấy hay người bán báo dạo ở các thành phố lớn của Việt Nam?

Nếu hàng chục năm trước, các sạp báo giấy và hình thức bán báo dạo xuất hiện nhiều, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình lao động,  thì ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, hình thức này ít dần. Tại các thành phố lớn, trước kia, các sạp báo với nhiều loại ấn phẩm báo chí, truyện tranh… xuất hiện trên các dãy phố lớn, đáp ứng nhu cầu tin tức cho người dân. Đặc biệt, hình thức bán báo dạo xuất hiện cũng giúp cho mọi người dễ dàng mua được tờ báo cần đọc. Hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ khiến người dân quen với việc đọc tin tức hằng ngày bằng điện thoại thông minh, máy tính. Người dân mua báo dần ít đi. Vì vậy, chỉ còn những người trung niên, cao tuổi còn thói quen đọc báo giấy.

Nhiều thính giả muốn được nghe giới thiệu về những địa điểm kiến trúc cổ tại Hà Nội. Chương trình xin giới thiệu một số công trình nổi bật:

+Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được coi như một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội. Các di tích có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.

+Hồ Gươm (còn gọi là hồ Lục Thủy, hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm) được coi là trái tim của thủ đô Hà Nội. Quanh hồ có nhiều di tích như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Hòa Phong, đền thờ vua Lê, tượng đài Lý Thái Tổ.

+Cầu Long Biên là cây cầu thép do người Pháp xây dựng từ năm 1899, hoàn thành năm 1902. Tính đến nay, cầu Long Biên đã tồn tại qua 3 thế kỷ.

+Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi gìn giữ di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình.

+Cột cờ Hà Nội  là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.

+Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070 dưới triều nhà Lý, đây được coi là trường đại học đầu tiên của nước ta. Ngày 1/7/2013, Khuê Văn Các nằm trong quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám chính thức trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. 

+Ô Quan Chưởng (còn gọi là ô Đông Hà, ô Thanh Hà, ô Cửa Đông) là một cửa ô của Hà Nội xưa. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

+Nhà Hát Lớn nằm trên quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, được người Pháp xây dựng từ năm 1901 - 1911 theo phong cách kiến trúc phục hưng.

+Nhà Thờ Lớn là nhà thờ đẹp nhất trong số những nhà thờ có mặt tại thủ đô Hà Nội và cũng là Nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhà Thờ Lớn được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu.

+Chùa Trấn Quốc còn có tên gọi khác là chùa Khai Quốc được xây dựng dưới thời vua Lý Nam Đế từ năm 544 đến 548, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thính giả Thedja Haryanto, ở Kalimantan Barat, Indonesia, muốn được nghe giới thiệu về Hòn Trống Mái ở Vịnh Hạ Long?

Hòn Trống Mái được hình thành qua hàng ngàn năm phong hóa của đá vôi, nước biển và gió. Đúng như tên gọi, địa danh này có hình thù như một đôi gà Trống – Mái đứng đối diện nhau. Hòn Trống Mái có vị trí gần hòn Đỉnh Hương, nằm phía Tây Nam của vịnh Hạ Long, cách cảng tàu Bãi Cháy khoảng 5km . Nếu tới đây, bạn đừng quên ghé thăm, tham quan và tận mắt chứng kiến nhé.

Thính giả Dieter Feltes, ở Pyrbaum, Đức, gửi thư muốn biết thêm thông tin về sản phẩm làm từ vải tre của Việt Nam.

Vải sợi tre còn được gọi là vải Bamboo có nguồn gốc từ một loại bột Cellulose được chiết xuất từ cây tre. Kết hợp với các chất phụ gia an toàn cho sức khoẻ tạo thành chất liệu có độ bền vượt trội, mềm mại, thoáng mát tự nhiên và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên chất liệu này chỉ được sản xuất thành công từ những năm đầu thế kỷ 21. Ngay khi vừa xuất hiện trên thị trường, vải tre đã được người dùng ưa chuộng và đưa ra phản hồi tích cực. Từ đó trở đi, chất liệu này được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ ngành công nghiệp thời trang đến thị trường chăn ga gối đệm. Cụ thể như vải tre viscose, vải tre Tencel, vải tre lanh…

Feedback