(VOV5)- Tất cả những chứng cứ này cho thấy những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
Ngày 20/5, trường Đại học mở liên Mỹ (UAI) ở thủ đô Buenos Aires, Argentina tổ chức hội thảo về Biển Đông với sự tham gia đông đảo giáo sư, học giả và sinh viên Khoa quan hệ quốc tế. Với chủ để "Quản lý không gian hàng hải của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ý tưởng cho Argentina", hội thảo nhằm mục đích chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của các quốc gia trong vấn đề gìn giữ chủ quyền biển, đảo.
Tại đây, Đại sứ Việt Nam tại Argentina Nguyễn Đình Thao nêu rõ Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nêu rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, tại thủ đô Brussels, Bỉ, Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Egmont phối hợp với Đại sứ quán Philippines tại Bỉ đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Biển Đông, triển vọng nhìn từ luật pháp và lịch sử” với diễn giả chính là ông Antonio T. Carpio, chuyên gia luật thuộc Tòa án Tối cao Philippines. Trong phần trình bày của mình, ông Carpio đã phân tích về những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông dựa trên 3 loại tài liệu : những tài liệu lịch sử và bản đồ cổ; những tài liệu chính thức và tuyên bố của các chính phủ liên quan; và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như việc thực thi.
Tất cả những chứng cứ này cho thấy những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Theo những tài liệu mà ông Carpio viện dẫn thì việc Trung Quốc đưa ra yêu sách về “đường 9 đoạn” là không có căn cứ, được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác.
Cũng trong ngày 20/5, mạng tin châu Âu Euro Presse Image đăng tải bài viết về hội thảo Biển Đông diễn ra hôm 18/5 ở thủ đô Paris, Pháp. Bài viết nêu lên những diễn biến mới đây trên Biển Đông, kể từ năm 2014, Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, cũng như việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981). Điều này khiến căng thẳng leo thang cùng với việc tăng cường khả năng quân sự của các quốc gia trong khu vực nhằm phản đối yêu sách của Trung Quốc./.