Giải pháp hòa bình trên Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc

Huy Sơn/VOV-TPHCM
Chia sẻ
(VOV5) - Thương lượng hòa bình và công cụ pháp lý là các biện pháp quan trọng để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.

(VOV5) - Thương lượng hòa bình và công cụ pháp lý là các biện pháp quan trọng để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.

Biển Đông vẫn đang “cuộn sóng” do các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhiều học giả trong nước và quốc tế thống nhất nhận định, hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; trái với các cam kết chính trị giữa Trung Quốc với Việt Nam và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC năm 2002; đồng thời xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.


giai phap hoa binh tren bien dong truoc tham vong cua trung quoc hinh 0
Giáo sư, Tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật
 Thành phố Hồ Chí Minh


Biện pháp hòa bình

Cách đây hơn 20 năm, ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua Nghị quyết về phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS. Trước và sau khi phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đã vận dụng phần lớn các quy định trong UNCLOS vào việc ban hành và thực thi các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động trên biển của mình và yêu cầu các nước tôn trọng các quyền của Việt Nam theo quy định của UNCLOS. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến Biển Đông và 2 quần đảo nói trên thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. 
    

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi vẫn cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam, từ các nhà khoa học lịch sử đến các nhà khoa học pháp lý đều tích cực trong hoạt động này. Chúng tôi nghĩ rằng về việc “đảo hóa” của Trung Quốc đối với các hòn đảo thuộc Trường Sa, chúng ta đã có những bước tiến rất rõ rệt trong việc thu thập các bằng chứng về chủ quyền không thể tranh cãi của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hoạt động “đảo hóa” của Trung Quốc là hành vi bất hợp pháp, nó trực tiếp ảnh hưởng và xâm phạm các quy định của UNCLOS năm 1982".

Những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay là vấn đề mang tầm quốc tế chứ không phải là vấn đề song phương. Trung Quốc đang muốn biến các vấn đề này thành các vấn đề song phương. Nhưng Việt Nam khẳng định, đây là vấn đề đa phương, có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực, cần sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý vẫn là thích hợp nhất so với biện pháp quân sự. Ông cho rằng, phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác phân biệt rõ đúng sai.

Đề xuất cùng khởi kiện Trung Quốc

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Thăng Long, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Với góc độ nghiên cứu về luật quốc tế, chúng tôi khẳng định, tất cả việc giải quyết các tranh chấp phải được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình. Chúng ta không chấp nhận việc các bên sử dụng vũ lực để chiếm đóng, phục vụ cho ý đồ đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý. Giải quyết vấn đề đó phải bằng thông qua con đường đàm phán, thương lượng và sự tham gia giải quyết hợp tác chung của các nước, đặc biệt là các quốc gia có liên quan về chủ quyền. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ phải tính đến các giải pháp cần thiết về mặt pháp lý".


giai phap hoa binh tren bien dong truoc tham vong cua trung quoc hinh 1
Tiến sỹ Trần Thăng Long, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh


Là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng Trung Quốc lại ngang nhiên chà đạp lên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Không chỉ xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn bộc lộ dã tâm độc chiếm toàn bộ Biển Đông thông qua yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, gặm nhấm hơn 90% diện tích Biển Đông.

Trung Quốc mưu toan biến các đảo thành căn cứ nổi cho hải quân của họ hoạt động, thực hiện chính sách ngoại giao “pháo hạm”. Các hành vi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc được tiến hành trong khoảng thời gian khá dài với những bước đi đầy toan tính. Chính quyền Trung Quốc ngang nhiên phủ nhận mọi nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp bằng hòa bình của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, sẵn sàng chà đạp lên chủ quyền thiêng liêng của các nước liên quan.

Trung Quốc ngày càng gây sức ép nặng nề cho hòa bình, phát triển với các nước lân bang, mà trước tiên nhằm vào Việt Nam, Philippines và các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nước này.

Giáo sư, Tiến sĩ Jay Batongbacal, đến từ Viện Nghiên cứu về biển và luật quốc tế về biển của Philippines khi đề cập thực tế việc cải tạo đảo rầm rộ của Trung Quốc trong vùng Biển Đông đã đưa ra giả thiết về một vụ kiện chung lên Tòa án quốc tế khi có 2 hoặc nhiều quốc gia cùng với Philippines khởi kiện.

Giáo sư Batongbacal nói: “Rõ ràng là hành động của Trung Quốc đã trái với nội dung và tinh thần các thỏa thuận và cam kết theo Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên. Tôi cho rằng việc sử dụng biện pháp chống lại việc xây dựng các đảo nhân tạo như Trung Quốc là khả thi. Quan trọng là phải thực hiện nhanh ngay khi phát hiện việc di chuyển tàu hay phương tiện cải tạo đất. Cần đệ trình lên Tòa án quốc tế về Luật Biển UNCLOS trong khi thành lập tòa trọng tài theo luật quốc tế. Và trong trường hợp này, một vụ kiện chung khi có hai hoặc nhiều quốc gia bị ảnh hưởng chống lại Trung Quốc sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với vụ kiện mà một mình Philippines đang theo đuổi".

Thế kỷ 21, thế kỷ của nhân loại hướng ra biển, giàu mạnh và thịnh vượng lên nhờ biển. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông nếu không được giải quyết hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế sẽ đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới một cách vô cùng nguy hiểm. Cùng với cộng đồng ASEAN và nhân loại tiến bộ trên thế giới, dân tộc Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng, cùng phát triển.

Feedback