Dư luận quốc tế quan ngại về hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngọc Thạch, Anh Tú/VOV tại Ai Cập và Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Báo chí Nga và Ai Cập những ngày này liên tục đăng tải các tin “Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập hai đơn vị hành chính ở Biển Đông”.
Dư luận quốc tế quan ngại về hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1

Các công trình phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. - Ảnh: CSIS.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN tại LB Nga ngày 21/4, ông Grigory Lokshin, cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn Lâm khoa học Nga, cho biết: Việc Trung quốc mới đây thành lập hai khu hành chính “Tây sa” (quần đảo Hoàng Sa) và “Nam sa” (quần đảo Trường Sa) với một trung tâm ở thị trấn quân sự “Tam sa” được xây dựng trái phép trên hòn đảo lớn nhất của Hoàng Sa, ban đầu thuộc về Việt Nam và bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974, cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tận dụng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới do dịch Covid-19 để thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và biến nó thành “hồ nội địa”.

Ông Grigory Lokshin nêu rõ hành động của Trung Quốc là vi phạm thô bạo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế năm 1982 về luật biển mà cả Trung Quốc đã ký và phê chuẩn. Theo ông Việt Nam có tất cả các bằng chứng không thể phủ nhận rằng, chủ quyền đối với các đảo này ở Biển Đông thuộc về Việt Nam, đã được công nhận nhiều lần trong các văn bản luật quốc tế. Và điều này một lần nữa được xác nhận trong một công  hàm của Việt Nam gửi Liên Hợp quốc ngày 30/3 và trong một tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 19/4.

Chuyên gia Grigory Lokshin nhận định Lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chính sách có trách nhiệm và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở biển Đông. Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Để đạt được mục đích này, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN trong năm nay, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết Cộng đồng ASEAN và đưa ra các quan điểm chung chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam, một lần nữa với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đang làm mọi cách có thể để làm rõ vị thế của mình và giành được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia trong cộng đồng thế giới.

Trong diễn biến liên quan, Báo chí Ai Cập những ngày này liên tục đăng tải các tin “Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập hai đơn vị hành chính ở Biển Đông”.

Ba trang điện tử chính thống bằng tiếng Ả-rập của Ai Cập như Masrawy, Shorouknews và Youm7 đăng tin “Việt Nam đã phản đối Trung Quốc thành lập hai đơn vị hành chính trên các đảo trong khu vực Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam". Các báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó. Việt Nam đã mạnh mẽ và nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Feedback