Hội thảo quốc tế về Biển Đông: Thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển
Tối ngày 26/10, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã bế mạc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng to lớn của biển và đại dương, đề xuất nhiều cơ chế và ý tưởng hợp tác sáng tạo để hiện thực hoá tiềm năng của biển. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường hoà bình, tăng cường đối thoại, hợp tác để tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, các cơ chế hợp tác đa phương, giảm bớt các hành động đơn phương.
Phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua” tại Hội thảo - Ảnh: VOV |
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận với chủ đề “Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?”, hầu hết đại biểu đánh giá cao tiềm năng điện gió của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và tài nguyên đất hiếm đứng thứ 2 thế giới. Các đại biểu khuyến nghị về việc khai thác đồng bộ năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng truyền thống thành năng lượng xanh thông qua sử dụng công nghệ và khả năng tích trữ CO2.
Về tiềm năng điện gió ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy, Trưởng Phòng thí nghiệm tính toán mô phỏng Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Ở Việt Nam, từ Vũng Tàu đi ra ngoài 30-40 km thì mực nước biển vẫn dưới 50 mét nên phát triển điện gió rất tốt, khu vực gió rất nhiều. Cho nên, đó là thuận lợi, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về phát triển điện gió ngoài khơi. Ở châu Á – Thái Bính Dương, hiện nay Việt Nam đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo".
Về vấn đề an ninh ở khu vực Biển Đông, các đại biểu cũng nhấn mạnh để cùng đạt được hòa bình và ổn định trên Biển Đông, các quốc gia trong khu vực phải tăng cường tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Các quốc gia tăng cường hợp tác với nhau cũng như với các quốc gia ngoài khu vực để cùng giải quyết các vấn đề, như: phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, phòng chống nước biển dâng, bảo vệ hệ sinh thái biển.
Hơn 2000 đoàn viên, thanh niên làm sạch môi trường biển Đà Nẵng
Đầu tuần này, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp Công ty Môi trường Đô thị thành phố ra quân vệ sinh môi trường dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành.
Thanh niên, sinh viên dọn vệ sinh môi trường dọc biển Nguyễn Tất Thành - Ảnh: VOV |
Sau lễ ra quân, hơn 2000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, công nhân Công ty môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng, lực lượng Công an, Quân đội tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành.
Cùng với đó, 56 đội thanh niên xung kích, tình nguyện ứng phó với thiên tai bão lũ trên toàn thành phố Đà Nẵng đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, khu vực công cộng, trường học, khơi thông hệ thống mương nước, cống rãnh, ra quân hỗ trợ người dân sửa chữa xe máy, trang thiết bị tại các vùng trũng bị ngập nước.
Vùng 2 Hải quân tuyên truyền về tình hình biển đảo
Ngày 25/10, Vùng 2 Hải quân phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển, đảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị trực tiếp buổi tuyên truyền biển đảo - Ảnh: qdnd.vn |
Tại Hội nghị, đại diện Vùng 2 Hải quân đã thông tin đến các cán bộ cấp huyện, báo cáo viên các cấp của tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua đó, giúp các đại biểu nắm vững, hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Chùa Trúc Lâm Đảo Trần - cột mốc văn hóa, tâm linh vùng biển đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc
Ngày 25/10, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với huyện Cô Tô tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 và gắn biển công trình chùa Trúc Lâm Đảo Trần.
Gắn biển công trình chùa Trúc Lâm trên đảo Trần, huyện Cô Tô - Ảnh: CTV Tuấn Anh/VOV |
Công trình tọa lạc tại thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, là công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tâm linh, đời sống xã hội, an ninh quốc phòng, là cột mốc văn hóa, tâm linh vùng biển đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc.
Theo thiết kế, công trình chùa Trúc Lâm Đảo Trần được xây mới trong khuôn viên 2,72 ha với 22 hạng mục công trình chính và phụ trợ theo phong cách kiến trúc cổ thời Trần. Tất cả các hạng mục về chế tác gỗ, kết cấu gỗ, đá; đặt gạch, ngói, phụ liệu trang trí, nội thất, pháp khí… đều được các nghệ nhân, thợ lành nghề thực hiện trong đất liền, dựng thử hoàn chỉnh trước khi đóng kiện vận chuyển ra đảo.
Chùa Trúc Lâm trên đảo Trần, huyện Cô Tô - Ảnh: CTV Tuấn Anh/VOV |
Đảo Trần có diện tích hơn 4,600 km2, cách đảo Cô Tô lớn 45 km, là một hòn đảo có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và sự toàn vẹn của biên hải quốc gia, được ví như Trường Sa vùng Đông Bắc. Chùa Trúc Lâm Đảo Trần hoàn thành là điểm tựa tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh giúp quân và dân yên tâm công tác, bám biển, bám đảo, cũng như ngư dân các nơi có thể về lễ Phật cầu bình an.