Bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển đông lần thứ 12

Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo bao gồm 8 phiên nội dung và một phiên đặc biệt về Vấn đề Biển Đông trong tình hình thế giới đầy biến động.

Trong hai ngày 16-17/11/2020, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề Duy trì Hoà bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã tham gia đưa tin về Hội thảo. Hội thảo bao gồm 8 phiên nội dung và một phiên đặc biệt về Vấn đề Biển Đông trong tình hình thế giới đầy biến động.

Bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển đông lần thứ 12 - ảnh 1 Hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. - Ảnh: baophapluat.vn

Các diễn giả châu Âu khẳng định việc EU quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.

Các học giả cho rằng các nước ASEAN nhìn chung phản ứng kiềm chế để không làm căng thẳng ở Biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế trong nước. ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương.

Nhiều học giả khẳng định, UNCLOS có giá trị phổ quát và toàn diện, có phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển. Các công hàm, công thư trao đổi ở Liên hợp quốc đã có những đóng góp có giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan và công bố công khai với cộng đồng và các nước trên thế giới. Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong đàm phán COC.

Feedback