Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Trà Xanh/VOV online
Chia sẻ
(VOV5)- Các bản đồ cổ và Atlas của phương Tây và Trung Quốc đều cho thấy biên giới lãnh thổ phía Nam đều dừng lại ở đảo Hải Nam. 
(VOV5)- Các bản đồ cổ và Atlas của phương Tây và Trung Quốc đều cho thấy biên giới lãnh thổ phía Nam đều dừng lại ở đảo Hải Nam. 

Đó là điều trùng hợp thú vị khi đối chiếu so sánh giữa bản đồ do phương Tây và Trung Quốc phát hành trước thế kỷ XX, phản ánh một sự thực không thể chối cãi rằng chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam.  

Atlas cổ chỉ rõ cương giới Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Việt Nam vừa tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới Bruxelles – 1827.  Bộ Atlas này gồm 6 tập khổ lớn do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869),  người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827.

Được vẽ thống nhất theo tỉ lệ 1/1.641.836, kích thước 53,5x37cm, bộ Atlas có thể ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,755m.

Gần 200 năm nay, bộ Atlas này đã trở nên nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ Atlas không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác mà còn một lần nữa khẳng định cực Nam của Trung Quốc giới hạn ở đảo Hải Nam. 
Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 1

Tương tự như thế, bộ Atlas Trung Quốc như Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh là tập Atlas chính thức được phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và hai tập Atlas Postal de Chine do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào các năm 1919 và 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp (tức là để phổ biến rộng rãi cho cả thế giới biết), gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933, thì cực Nam Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước cũng đều cho thấy cực Nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18.

PGS, TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III cho biết: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một tấm bản đồ được đích thân các Hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sĩ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp tư liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, rồi đến Đại Thanh đế quốc toàn đồ vẽ năm 1905 (nhà xuất bản bản đồ Tây An tái bản năm 1995 trong Trung Quốc cổ địa đồ trân tập), cương giới phía nam của Trung Quốc trên hai bản đồ này cũng chỉ tới đảo Hải Nam.
Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 2
Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn đồ (năm 1818) thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.

Đến năm 1908 Trung Quốc toàn đồ và Quảng Đông địa đồ trong Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết do La Nhữ Nam biên soạn; hoặc Nhị thập thế kỷ trung ngoại đại địa đồ cũng đều ghi rõ cương giới phía nam của Trung Quốc là cực Nam của đảo Hải Nam. Thậm chí, Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 còn ghi rõ “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”.
Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 3
Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ, tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28.3 - Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)

Điều này cũng tương đồng với các tấm bản đồ của phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước trong đó có tấm bản đồ cổ mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Tập Cận Bình vào tối 28/3 nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc. Tấm bản đồ cổ Trung Quốc này cũng không có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Điểm cực Nam cũng chỉ tới đảo Hải Nam.

Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 - 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735.
Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 4
Bản đồ cổ do Thủ tướng Đức tặng Chủ tịch Trung Quốc

Chính sử Trung Quốc khẳng định chủ quyền không vượt quá Hải Nam

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc cho biết: “Bắt đầu từ Nhà Hán (203TCN - 220 ) đến đời Thanh đều có những bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là điểm để người ta nhận rằng Trung Quốc chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Các phần địa lý chí đều có mục xác nhận các đơn vị hành chính đến Huyện Nhai của phủ Huỳnh Châu, nằm trong phạm vi đảo Hải Nam, không vượt qua đảo Hải Nam. Những tài liệu chỉ rõ những lời tâu, lời chỉ dụ của Hoàng đế hoặc những tấu sớ của các quan cũng thừa nhận đất của Trung Quốc đến Huyện Nhai, những vùng biển phía ngoài là họ không quản lý được vì đó là của những nước khác, vùng biển chung quốc tế. Tức là lúc đó họ không nói hẳn là của ai nhưng họ không thừa nhận là của họ.”
Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 5
Trung Hoa dân quốc khu vực đồ (1917)

Như vậy, để trả lời câu hỏi vì sao các bản đồ cổ của Trung Quốc không hề bao gồm bất cứ một quần đảo nào ở biển Đông,  PGS, TS Ngô Văn Minh cho rằng câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì nó phản ánh đúng thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ một hành động nào nhằm thể hiện quyền lực của mình đối với các quần đảo này, rằng chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam mà thôi, và cũng vì trên thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình liên tục và không vấp phải sự phản đối của bất kỳ một quốc gia nào./.

Feedback

Đô Văn Vinh
Nên in vào tài liệu sử - địa dạy cho học sinh biết láng giềng Trung Quốc chỉ có vậy.