(VOV5) - Trong những năm gần đây, cuốn sách “Song xưa phố cũ”, tác phẩm kết tinh 15 năm lặn lội, ghi chép của họa sỹ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã đem lại làn gió mới trong nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, kiến trúc Hà Nội. Cuốn sách vừa mang giá trị khảo cứu, vừa là tư liệu tốt cho người làm kiến trúc đô thị. Với những giá trị đặc biệt, riêng có, “Song xưa phố cũ” của Trần Hậu Yên Thế đã đạt Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 7- 2014 ở hạng mục tác phẩm.
|
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Cuốn sách “Song xưa phố cũ” của họa sỹ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế khảo cứu về công nghệ và những tấm cửa sắt, trang trí kiến trúc sắt ở Hà Nội. Cuốn sách cung cấp những tư liệu khá đầy đủ về tiến trình nghề rèn song sắt ở phương Tây và thế giới nói chung, khi được đưa vào Việt Nam và phần lớn được những người thợ rèn Việt Nam thực hiện. Do truyền thống kiến trúc không sử dụng sắt thép nên người Việt Nam phải học những kinh nghiệm này từ phương Tây. Quy trình kỹ thuật làm cửa sắt hoa hay hàng rào để đảm bảo mỹ thuật nhất thiết phải qua quy trình rèn qua nhiệt. Thời bấy giờ chưa có công nghệ hàn nên tán đinh rivê đòi hỏi người thợ phải đo đạc kỹ lưỡng. Các thanh sắt lắp với nhau như lắp mộng rồi tán bằng đinh rivê cố định, mài dũa sơn phủ là công đoạn cuối cùng. Có lẽ cũng không quá lâu để những người thợ tài hoa Hà thành làm chủ kỹ thuật. Có thể đinh ninh rằng đại đa số những cánh cổng hoa sắt của các dinh thự lớn ở Hà Nội là do những bàn tay người Việt dựng nên. Anh Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Song sắt là một cú hích từ việc người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam mở một cơ hội cho cánh lò rèn Hà Nội. Vấn đề đầu tiên, thô sơ nhất là giải quyết vấn đề bu lông bởi các ghép nối cửa sắt ngày xưa không có hàn. Người đặt hàng đầu tiên của các công trình kiến trúc là người Pháp, những công trình đầu tiên là Bắc Bộ Phủ, Phủ toàn quyền, tòa án, truờng học…, người Pháp đã nhanh chóng vừa là phô diễn về công nghệ, kĩ thuật đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, phô diễn được hào hoa vốn có của văn hóa phương Tây đặc biệt là Pháp”.
|
Bức hình về cổng Phủ Chủ tịch theo lối kiến trúc Đông Dương, được in trong cuốn sách |
Cuốn sách “Song xưa phố cũ” tập trung viết về sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc nửa đầu thế kỷ XX ở Hà Nội. Đây là công trình nghiên cứu bước đầu có tính hệ thống về di sản sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc của Thủ đô. Những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa đi, cửa sổ, ô gió đã tạo nên cho Hà Nội vẻ cổ điển, tài hoa và lịch lãm. Anh Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Cảm nhận đầu tiên của tôi từ khi tôi đi học, đứng trên tàu điện và nhìn từ dọc phố từ Bạch Mai qua Hàng Bài, Phố Huế lên Bờ Hồ, dọc các phố có rất nhiều nhà mặt tiền còn nguyên vẹn ở từ tầng 1 cho đến tầng 2 gồm có cửa đi, cửa sổ, ô gió, ban công. Việc sắt thép trở thành một phần máu thịt của kiến trúc, lúc bấy giờ đối với mọi người thì bình thường, đương nhiên vì không có sắt thép thì cái gì có thể tạo nên sự bền vững, thanh thoát như vậy. Ở thời kỳ đầu thì đây là một cách tân rất mới vì trong truyền thống của người Việt thì nhà gỗ hành mộc, sắt hành kim người ta không phối hợp với nhau”.
Trong cuốn sách của Trần Hậu Yên Thế, với dòng chữ nhỏ “Những ghi chép bên lề”, tác giả muốn kiếm tìm những khuôn mặt ẩn sau những sắt thép đầy si mê đó. Đây là cuốn sách của thế hệ 7X viết về Hà Nội. Trong khoảng hơn 15 năm nghiên cứu sưu tầm, Trần Hậu Yên Thế rong ruổi các ngõ phố Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép, phân loại, tiến hành các bản đạc họa và phỏng vấn gia chủ cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị. Anh Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm: “Nếu xem cuốn sách ta cảm thấy Hà Nội sạch sẽ, trang nhã, tinh tế. Không giống như một thành phố đang bùng nổ trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn. Trong cuốn sách của tôi, tôi đã nhìn xuyên thấu qua những biển đó. Với tư liệu của khoảng 5 đến 10 năm trước đây thì có thể thấy được những ban công, những ô cửa sổ chưa bị lấn át, chưa bị biến dạng, cơi nới. Tôi đã được gặp những con người sau những song cửa sổ thép ấy, thấy được cái tinh tế hào hoa không chỉ là ở các trang trí, kiến trúc ấy mà còn hiển hiện trong đời sống, tâm hồn, phong thái của họ”.
“Song xưa phố cũ” là cuốn sách công cụ mà các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, cho đến những người thợ sắt đều cảm thấy hữu ích. Anh Trần Huy Tiến, quản lý bộ phận chế bản của Nhà xuất bản thế giới, cho biết: “Cuốn sách “Song xưa phố cũ” như một sự tổng hợp nội dung quý báu về kiến thức, nhận thức của người Hà Nội về kiến trúc, các hình thái người ta định dạng trước khi làm ngôi nhà của mình. Đấy là điều đang thiếu ở các khu đô thị lớn. Cuốn sách gợi mở cho người quản lí cũng như những người có chuyên môn sâu về kiến trúc nhìn nhận lại và thấy được có một góc cạnh như vậy cần có được sự quan tâm nhất định".
Nghệ thuật hoa sắt trong cuốn sách “Song xưa phố cũ” giúp người đọc mường tượng phần nào phố xá Hà Nội xưa. Phố xá giờ đã thay đổi nhiều nhưng Hà Nội vẫn ẩn dấu vẻ lịch lãm và sang trọng. Những ghi chép tản mạn bên song cửa hoa sắt ngả mầu thời gian đọng lại trong lòng người đọc những ký ức vui buồn của một thời để nhớ./.