“Diễn đàn Tương lai ASEAN”diễn ra tại Hà Nội ngày 23/4, với sự tham gia của tất cả các giới, gồm lãnh đạo các nước ASEAN, các đối tác, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức dân sự, xã hội, các học giả hàng đầu khu vực và thế giới, phụ nữ, thanh niên… Diễn đàn chia sẻ nhiều vấn đề, góc nhìn, góp phần định vị khu vực ASEAN trong bối cảnh nhiều thách thức mới như hiện nay.
Quang cảnh buổi họp báo “Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024” diễn ra chiều 1/4/2024. Ảnh: VOV |
Với chủ đề "Xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm", Diễn đàn Tương lai ASEAN là kênh cung cấp các ý tưởng, sáng kiến cho quá trình xây dựng tầm nhìn ASEAN đến năm 2045, đóng góp tiếng nói của khu vực vào nỗ lực định hướng phát triển tương lai của thế giới, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp quốc dự kiến tổ chức vào tháng 9 năm nay.
Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN cũng đang đứng trước nhiều lựa chọn khác nhau trong chiến lược phát triển cũng như tầm nhìn về ASEAN, Diễn đàn Tương lai ASEAN tìm kiếm lời giải cho các vấn đề: Làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm, thích ứng với sự thay đổi của khu vực và thế giới? Làm sao để cân bằng và hài hòa các mối quan tâm và lợi ích của các thành viên? Làm sao để cân bằng giữa đổi mới và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ASEAN?".
Tạo ra kênh đối thoại quan trọng
Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, đơn vị chủ trì tổ chức Diễn đàn, tương lai ASEAN và những vấn đề của Hiệp hội luôn thu hút được sự quan tâm trong khu vực. ASEAN từ trước tới nay đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp bàn về chủ đề này nhưng tại diễn đàn lần này, Ban tổ chức mong muốn tạo ra một diễn đàn mở, một kênh đối thoại, lắng nghe ý kiến của tất cả mọi giới, mọi thành phần xã hội ở các quốc gia ASEAN:Tương lai ASEAN là một vấn đề không mới nhưng cách thức tiếp cận rất mới. Đặc biệt, một kênh gần với người dân sẽ tạo nên một thực tiễn là không chỉ thế hệ trẻ mà giới học giả, doanh nhân... đều sẽ nói về câu chuyện này. Từ đó, tiếng nói, quan điểm và cách chia sẻ của họ được lắng nghe và đề cập trong những cuộc thảo luận chính thức của các chính trị gia. Việc tạo ra một kênh đối thoại, đem ASEAN đến gần với người dân, thế hệ trẻ chính là điểm khác biệt quan trọng nhất tại Diễn đàn lần này.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: VOV
|
Hiện nay, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới, sau khi hoàn thành việc thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN đang trong quá trình chuyển đổi trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, với nhiều thời cơ và thách thức mới. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức mở, có sự tham dự của cả đại diện Chính phủ và các cơ quan khác, theo nhiều chuyên gia nhận định, tạo khuôn khổ để các bên liên quan của khu vực và ngoài khu vực cùng đến tham gia cung cấp các ý tưởng, sáng kiến cho quá trình xây dựng tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 và thực hiện tầm nhìn trong tương lai. Đánh giá về triển vọng Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể trở thành hoạt động thường niên, phát triển theo con đường của các sự kiện có tên tuổi ở khu vực và trên thế giới như Đối thoại Shangri-La (Singapore), Hội nghị An ninh Munich (Đức), Hội nghị Tương lai châu Á (Nhật Bản), Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng:Tôi nghĩ rằng để được như Shangri-La hay Munich thì còn một chặng đường dài và rất nhiều nỗ lực. Thế nhưng, ASEAN đi thì sẽ đến vì chúng ta có cố gắng, mục tiêu và sự quyết tâm. Cách tiếp cận của ASEAN là quyết tâm hết sức mình còn kết quả đạt được như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng tôi tin tưởng và lạc quan, Diễn đàn là một dấu ấn rất đặc biệt của ASEAN và Việt Nam.
Xây dựng định hướng tương lai của ASEAN
Diễn đàn Tương lai ASEAN gồm các phiên thảo luận: Hướng đến một cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững; Tái định vị vai trò trung tâm của ASEAN; Nắm bắt cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số; Đẩy mạnh cách tiếp cận an ninh toàn diện vì một Cộng đông ASEAN lấy người dân làm trung tâm… Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, sự tham gia đông đảo của giới học giả ASEAN là điểm nhấn đáng chú ý của diễn đàn, đưa ra các khuyến nghị giúp ASEAN định hình hướng đi tương lai:Về tư vấn và hỗ trợ chính sách, kênh học giả cung cấp thông tin và nghiên cứu sâu về các vấn đề quan trọng và xu hướng trong khu vực, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp định hình hướng đi và chính sách của ASEAN trong tương lai. Các cơ chế như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ASEAN (ASEAN-ISIS), Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) đã khẳng định giá trị và vai trò quan trọng về tư vấn chính sách cho ASEAN. Về trao đổi học thuật, giao lưu, các hoạt động kênh học giả tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, chuyên gia trao đổi kiến thức, ý kiến, đóng góp nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, thúc đẩy hợp tác trong ASEAN.
Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Diễn đàn đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Hiệp hội.