Diễn đàn toàn cầu và vấn đề xử lý khí phát thải Methane

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Các chuyên gia nhận định một số kết quả tại Diễn đàn năm nay là những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới.

Diễn đàn Khí thải nhà kính methane toàn cầu 2024 tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 18 – 21/3. Hội nghị đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề khí thải gây biến đổi khí hậu này. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để các quốc gia thực hiện các cam kết của mình nhằm đạt được các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu.

Diễn đàn toàn cầu và vấn đề xử lý khí phát thải Methane - ảnh 1Các đại biểu tham dự lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế và Thương mại (TEPA) giữa Ấn Độ và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) ở New Delhi ngày 10/03/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh tình trạng phát thải khí methane đang nổi lên là một mối đe dọa hàng đầu đối với khí hậu toàn cầu, quy tụ các nhà hoạch định chính sách quốc tế, đại diện lãnh đạo quốc gia, các nhà phát triển dự án, các tổ chức tài chính, giới khoa học, giới nghiên cứu và chuyên gia về biến đổi khí hậu. Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin về các vấn đề kỹ thuật, chính sách, tài chính, quy định liên quan đến chính sách khí methane và phát triển dự án tận dụng khí methane trong sản xuất điện năng.

Methane là mối đe dọa hàng đầu đối với khí hậu toàn cầu

Khí Methane là một loại khí nhà kính có sức làm nóng gấp 80 lần so với khí carbon (CO2) nhưng lại tồn tại trong không khí khoảng một thập kỷ. Do vậy, việc cắt giảm khí thải methane là cần thiết để đạt được các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu. Nguồn phát thải khí methane có trong những lĩnh vực gì và làm thế nào để có thể cắt giảm được lượng khí này là mối quan tâm hàng đầu và là trọng tâm thảo luận tại diễn đàn lần này. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: “Khí methane là một loại khí hữu cơ, phát triển trong lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp nhiều hơn. Khí methane cũng được hình thành từ các hoạt động của con người, nhất là chất thải của con người, hoạt động thu gom, chôn lấp chất thải cũng phát sinh khí methane. Đặc biệt, gần đây methane có thể sử dụng trong việc tạo ra năng lượng để hoạt động cho con người cũng như hoạt động sản xuất. Từ trước đến nay, nghiên cứu chỉ rằng 1 tấn khí methane so với 1 tấn khí CO2 thì rõ ràng khí methane gây ra tác động mạnh hơn rất nhiều”.  

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, để giải quyết tình trạng này thì mỗi quốc gia phải có sự đầu tư. Hiện nay, giải pháp lớn nhất chính là mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa đạt được hiệu quả kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho giảm phát thải khí methane. Ví dụ như xử lý rác thải bằng việc đốt và tạo ra năng lượng phát điện; hoặc thu hồi khí methane từ hoạt động chăn nuôi thông qua xây dựng hầm biogas để đốt, tạo ra năng lượng… Ở góc độ toàn cầu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh cũng nhấn mạnh cần có sự hợp tác chung để ứng phó, cắt giảm khí methane để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5°C như Thỏa thuận khí hậu Paris đã đặt ra: “Hiện nay, mục tiêu của thỏa thuận Paris chúng ta đều biết, đến 2050 đưa lượng phát thải khí nhà kính về 0, nhưng mục tiêu này cũng không đơn giản. Bởi vì có rất nhiều cuộc tranh cãi căng thẳng vì nó liên quan đến khả năng công nghệ, kỹ thuật cũng như mỗi nước một khác. Do đó, phải đàm phán, phải cam kết để tạo ra một nguồn tài chính cho các nước. Các nước cần phải có đồng thuận và tạo lập một thị trường carbon”.
Diễn đàn toàn cầu và vấn đề xử lý khí phát thải Methane - ảnh 2Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Piyush Goyal. Ảnh: File

Những tín hiệu tích cực từ diễn đàn

Ngày 19/3, phát biểu bên lề Diễn đàn Khí thải nhà kính methane toàn cầu ở Geneva (Thụy Sĩ), Phó Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu Rick Duke xác nhận Mỹ và Trung Quốc, vốn là những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đang hợp tác để hạn chế loại khí này. Đây là một phần nội dung hợp tác của nhóm chuyên viên, được thành lập vào năm ngoái với mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, để chung tay xử lý vấn đề, Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia tới tham dự diễn đàn và đây cũng là cuộc thảo luận cấp cao nhất từ trước đến nay về chủ đề này, nhằm mục đích giúp các quốc gia thực hiện cam kết về cắt giảm phát thải khí methane. Phát biểu tại diễn đàn, ông Lưu Văn Cách, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thông tin, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc cam kết tăng cường kiểm soát phát thải khí methane trong các lĩnh vực quan trọng và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Phát biểu này được các nước đánh giá cao bởi Trung Quốc là quốc gia phát thải khí methane nhiều nhất thế giới từ các mỏ than, chiếm tới 28% tổng số điểm phát thải khí methane lớn nhất toàn cầu.

Cùng với đó, dự án sản xuất khí methane sinh học từ nước thải tại Cơ sở phục hồi tài nguyên nước Malabar ở thành phố Sydney (Australia) mới đây đã trở thành dự án sản xuất khí methane sinh học đầu tiên của Australia bắt đầu đi vào hoạt động. Theo thông báo ngày 20/3 của đại diện Australia tại Diễn đàn, việc sản xuất khí tái tạo như khí methane sinh học tại dự án Malabar đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon của Australia, vì loại khí này sinh ra lượng khí thải thấp hơn nhiều so với khí tự nhiên hóa thạch. Điều này rất quan trọng trong việc đưa Australia đến gần với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời mang lại lợi ích về môi trường, an ninh năng lượng, cơ hội kinh tế thông qua ứng dụng công nghệ mới cũng như mang lại giá trị cho nền kinh tế tuần hoàn. 

Tác động khí hậu do khí methane mang lại đang gây lo ngại lớn bởi vì nhiệt độ Trái đất đang ngày càng tăng. Các chuyên gia nhận định một số kết quả tại Diễn đàn năm nay là những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới.

Feedback