Châu Âu đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ xanh

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Hầu hết các chuyên gia đánh giá việc EU thông qua được NZIA là cú hích mang tính sống còn đối với lĩnh vực công nghệ xanh của khối này.

Nghị viện châu Âu hôm 06/02 thống nhất thông qua thỏa thuận mang tên “Đạo luật công nghiệp Net Zero” (NZIA) nhằm gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh trong khối. Theo các chuyên gia, đây có thể được xem là câu trả lời đầu tiên của châu Âu đối với sự cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc.

Châu Âu đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ xanh - ảnh 1Một trang trại điện gió tại Đức. Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO

“Đạo luật công nghiệp Net Zero” (NZIA) được Nghị viện châu Âu cùng Bỉ, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu thông qua hôm 06/02 sau gần 1 năm thảo luận kéo dài.

Sự thức tỉnh của châu Âu

Theo thỏa thuận NZIA mới được các nhà lập pháp châu Âu thông qua và nhiều khả năng sẽ chính được triển khai từ cuối năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất được 40% các sản phẩm công nghệ cần thiết sử dụng trong lĩnh vực năng lượng xanh để cắt giảm khí thải. Trong đó, EU tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực, như: năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, bơm nhiệt, điện phân và một số công nghệ giảm thiểu carbon khác.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, EU thiết lập một loạt các hành lang pháp lý và hành chính thuận lợi, bao gồm: đảm bảo cung cấp giấy phép triển khai các dự án công nghệ xanh trong vòng tối đa 12-18 tháng tùy vào quy mô dự án, tức chỉ bằng một nửa thời gian so với trước đây; yêu cầu các cơ quan công quyền tại các quốc gia châu Âu khi mua các sản phẩm công nghệ xanh phải lựa chọn sản phẩm không chỉ theo tiêu chí giá cả mà còn phải theo tiêu chí môi trường và đảm bảo không quá 50% sản phẩm đến từ 1 nguồn cung duy nhất. Ngoài ra, theo NZIA, các nước EU cũng phải áp dụng tiêu chí “không dựa trên giá cả” với ít nhất 30% các dự án đấu thầu liên quan đến năng lượng tái tạo.

Theo nghị sĩ châu Âu, Christian Ehler, các hàng rào bảo vệ và ưu đãi chính sách này là câu trả lời đầu tiên của châu Âu đối với các chính sách ưu đãi về tài chính và thuế trong “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) của Mỹ: “Tôi nghĩ đây là tín hiệu mà nền công nghiệp châu Âu đang cần bởi nếu không họ sẽ thấy các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế tại Mỹ rất lôi cuốn. Do đó, đây có thể coi là một câu trả lời của châu Âu”.

Chung quan điểm này, nghị sĩ Christohpe Grudler của nhóm đảng Renew tại Nghị viện châu Âu, cho rằng NZIA là sự “thức tỉnh” của châu Âu trước sự cạnh tranh quyết liệt của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh, đặc biệt là việc Mỹ chi đến 369 tỷ USD thông qua IRA để thu hút các công ty công nghệ xanh trên thế giới về Mỹ, đồng thời thiết lập hàng rào bảo hộ bằng thuế và trợ cấp đối với các sản phẩm công nghệ xanh sản xuất tại Mỹ. Báo cáo viên của Ủy ban việc làm và các vấn đề xã hội của Nghị viện châu Âu, bà Marie-Pierre Vedrenne, thì cho rằng một khía cạnh quan trọng NZIA mang lại cho châu Âu là sẽ giúp châu lục này níu chân được lực lượng lao động công nghệ cao, vốn đang bị đe dọa bởi nguy cơ các công ty rời khỏi châu Âu do chi phí năng lượng, sản xuất tăng cao, thủ tục hành chính chậm chạp. 

Châu Âu đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ xanh - ảnh 2Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nhận định NZIA chính là thể hiện sự trưởng thành về chính trị của EU sau các biến cố đại dịch và xung đột Nga-Ukraine vừa qua, đó là không được phép phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác, bởi trong thời điểm hiện nay, châu Âu phụ thuộc từ 90-98% vào nguồn cung đất hiếm, lithium hay magnesium của Trung Quốc.

Bài toán khó về pin mặt trời

Hầu hết các chuyên gia đánh giá việc EU thông qua được NZIA là cú hích mang tính sống còn đối với lĩnh vực công nghệ xanh của khối này, nhưng điều quan trọng hơn là EU cần nhanh chóng biến thỏa thuận vừa đạt được thành hành động, sau khi đã phản ứng tương đối chậm trễ trước IRA của Mỹ và sự xâm nhập của các sản phẩm công nghệ xanh của Trung Quốc. Theo giới quan sát, lĩnh vực pin mặt trời của châu Âu hiện đang cần các giải pháp cấp bách. Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy sản lượng quang điện của châu Âu năm ngoái tăng hơn 40% so với năm 2022, nhưng 95% tấm pin mặt trời mà châu Âu đang sử dụng là nhập từ Trung Quốc. Sự áp đảo của sản phẩm pin mặt trời Trung Quốc đang đẩy nhiều công ty sản xuất pin mặt trời tại châu Âu rơi vào nguy cơ phá sản. Đây là một trong những thực tế khiến Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen phải lên tiếng kêu gọi các nước hành động khẩn cấp: “Với giá năng lượng biến động và sự đầu tư ồ ạt vào công nghệ xanh trên thế giới, châu Âu cần phải nâng cao năng lực. Châu Âu cần phải nuôi dưỡng tốt hơn nền công nghiệp công nghệ xanh, phải đẩy nhanh, đơn giản hóa thủ tục, phải tạo sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với nguồn tài chính công và tư”.

Tuy nhiên, việc đảo ngược thực tế này không đơn giản. Theo Miguel Stilwell d’Andrade, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng EDP của Bồ Đào Nha, châu Âu sẽ không thể sớm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bởi việc cắt giảm đột ngột nguồn cung lớn nhất sẽ khiến các dự án quang điện tại châu Âu đình trệ nghiêm trọng. Chia sẻ lo ngại này, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck đã gửi thư cảnh báo Ủy ban châu Âu về ý định áp các hạn chế thương mại đối với sản phẩm pin mặt trời của Trung Quốc, cho rằng nếu các hạn chế này được áp dụng, sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ xanh châu Âu sẽ bị chặn lại, đồng thời 90% các tấm pin điện trên thị trường châu Âu sẽ tăng giá, đẩy nhiều công ty công nghệ xanh châu Âu vào nguy cơ phá sản khi chi phí sản xuất và lắp đặt tăng cao. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, dù NZIA tạo ra cơ chế thuận lợi hơn nhưng có thể đã quá muộn để “cứu” lĩnh vực pin mặt trời của châu Âu.

Feedback