Tự hào quê hương Việt Nam

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Những ca khúc tiếp thêm cho mỗi chúng ta những nguồn năng lượng mới tích cực để cống hiến, xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Như một lẽ tự nhiên với những trái tim yêu quê hương, đất nước, yêu non sông Việt Nam và yêu âm nhạc, hằng năm, những ngày mùa thu lịch sử này, những giai điệu quen thuộc ngợi ca tình yêu đất nước, Tổ quốc và quê hương lại ngập tràn khắp nơi nơi. Nó tiếp thêm cho mỗi chúng ta những nguồn năng lượng mới tích cực để cống hiến, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 
Ngợi ca Tổ quốc là đề tài được nhiều nhạc sĩ quan tâm, ấp ủ đưa vào trong các tác phẩm của mình. Với niềm tự hào về Tổ quốc thân yêu, nhạc sỹ Bùi Hoàng Uyên Minh đã cho ra đời một ca khúc với bao nhiêu tha thiết trong lòng. Nhạc sỹ tâm sự: "Ca khúc Tự hào hai tiếng Việt Nam có rất nhiều kỉ niệm đối với tôi. Từ lâu tôi luôn mong ước sẽ viết được 1 ca khúc về quê hương đất nước, chủ đề sẽ lớn hơn những sáng tác của tôi về quê hương Thái Bình hay một số tỉnh thành khác. Ngay sau khi tôi viết xong “Tự hào hai tiếng Việt Nam”, tôi có gửi cho nhạc sỹ phối khí Phạm Tuấn Anh để tìm ra một màu sắc mới, có cả tiếng sáo và tiếng ghita điện. Ca sĩ Sao Mai Lê Xuân Hảo đã cùng tôi bàn bạc về tên bài hát, thu âm thế nào, rồi tiến hành thu MV. Ca khúc này sau đó đã được diễn ở các chương trình lớn, và tôi rất hài lòng vì mình đã mong muốn có một ca khúc như thế này từ rất lâu rồi".

Từ ý thơ trong bài thơ “Hai chiều Tổ quốc” của nhà thơ Ngọc Lê Ninh, nhạc sỹ - NSƯT Trần Ngọc đã viết nên “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”, ngợi ca Tổ quốc và Mẹ. Nhà thơ Ngọc Lê Ninh chia sẻ, bản thân ông cũng vô cùng xúc động khi những ý thơ của mình được âm nhạc chắp cánh bay lên: "Tôi thường nhớ về cha mẹ mình, do quê tôi ở xa. Hình ảnh mẹ tôi còng lưng gánh mạ ra đồng cấy lúa để nuôi con cái khôn lớn trưởng thành luôn hằn sâu trong tâm trí tôi. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, nhờ sự phấn đấu của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Những điều đó đã cho tôi niềm cảm hứng viết bài thơ "Hai chiều Tổ quốc" - có ý nghĩa là Tổ quốc được hình thành và phát triển từ hai chiều, đó là chiều Mẹ và chiều Con. Sâu xa hơn, Mẹ ở đây là Mẹ Tổ quốc, là Đảng và Bác Hồ kính yêu. Năm 2018 - sau 28 năm ra đời, bài thơ đã được nhạc sỹ, NSƯT Trần Ngọc phổ nhạc thành ca khúc "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc". Với chất liệu nhạc hùng ca, thể loại nhạc giao hưởng đã thổi hồn vào bài thơ, chắp cánh cho bài thơ của tôi bay cao, bay xa. Tôi rất vui và hạnh phúc".

Những giai điệu khởi nguồn từ truyền thống cha ông được các nghệ sĩ hôm nay tiếp tục truyền tải tới người nghe và đồng thời có cả những giai điệu mới, những gương mặt mới bổ sung hơi thở mới nối dài những giá trị đã có từ trong lịch sử, hiện tại và đó cũng sẽ là sự kết nối với mai sau. Mới đây, nhạc sỹ Lê Thống Nhất đã phổ nhạc cho bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Một phiên bản rất mới dù rằng đã có nhiều nhà thơ đồng cảm và sáng tác nhạc cho bài thơ này.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết: "So với các tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” đã được các nhạc sỹ phổ nhạc, ca khúc của nhạc sỹ Lê Thống Nhất mang đến cho tôi một cảm hứng khác, âm hưởng khác. Có thể nói giai điệu trữ tình mà nhạc sỹ Lê Thống Nhất sử dụng trong bài hát này khơi dậy được vẻ đẹp của âm nhạc đi liền với ca từ trong bài thơ của tôi".

Còn tác giả phần nhạc - nhạc sỹ Lê Thống Nhất bày tỏ: "Tôi phải nhìn bài thơ của anh Nguyễn Việt Chiến dưới một góc độ khác, trữ tình hơn. Có những bản nhạc phổ thành hành khúc, thôi thúc ra biển đảo. Nhưng tôi lại không cảm nhận bài thơ ở góc độ thôi thúc đi chiến đấu mà ở góc độ tha thiết, day dứt. Nhưng tình cảm không chỉ dừng lại ở yêu thương mà nó như một tráng ca về biển đảo. Càng tự hào bao nhiêu, càng yêu bao nhiêu thì chúng ta sẽ sẵn sàng hi sinh vì biển đảo của Tổ quốc".

Feedback