Nghe âm thanh bài viết và các làn điệu chầu văn tại đây:
Vừa qua, “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Chuyên mục này hôm nay, mời quý vị tìm hiểu đôi nét về tín ngưỡng tứ phủ và nghệ thuật hát chầu văn qua sự trình bày của các nghệ sĩ quen thuộc.
Hát văn là hình thức diễn xướng dân gian được hình thành và lưu truyền từ lâu đời, gần với tín ngưỡng thờ mẫu, tiến trình lịch sử và các truyền thuyết tôn giáo, phục vụ cho các lễ hội trong một phạm vi rộng lớn có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Việt Nam. Về tín ngưỡng trong nghệ thuật hát chầu văn, nhạc sĩ Thao Giang, giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam cho biết: “Tôi cho rằng đây là loại hình ca hát phục vụ các vị thánh mà nhân dân suy tôn nên. Từ lâu chúng ta đã biết đạo tứ phủ bao gồm: thiên phủ, địa phủ, thoải phủ, nhạc phủ thì nó gắn liền với các sự tích, huyền thoại về các vị anh hung dân tộc của chúng ta, ví dụ: Chử đồng tử, Thánh gióng, Tản viên sơn, thánh liễu hạnh. Thì các vị thánh đó, nhân dân ta đã sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật để ca ngợi công đức của các vị thánh này…”
Người dân Việt Nam xưa tin rằng: trong Tứ phủ, bao gồm: thiên phủ, địa phủ, thoải phủ, nhạc phủ, đều có các mẫu cai quản như: trên trời có mẫu thiên, dưới đất có mẫu địa, trên sông nước có mẫu thoải và vùng rừng núi có mẫu thượng ngàn, Trong hệ thống tứ phủ, các vị thánh mẫu, quan, chầu, ông, cô, cậu.v.v… đều được sắp xếp theo thứ tự nhất định, cao nhất là hàng các mẫu gồm có: Mẫu Thượng thiên, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải. Điều này được thể hiện rất sinh động qua nghệ thuật chầu văn
Trong nghệ thuật hát chầu văn, Bài hát “Cô bé thượng ngàn” là một điệu hát văn có tính chất âm nhạc vui tươi, rộn ràng, được nhiều nghệ sĩ biểu diễn thành công trên các sân khấu ca nhạc dân tộc trong và ngoài nước. Điệu hát này cũng gắn liền với truyền thuyết về các cô bé thượng ngàn được thờ phụng ở các địa phương trên đất nước ta. Nghệ sĩ Đức Huy, trưởng phòng biểu diễn -Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam kể về các truyền thuyết này: “Theo một số tài liệu nghiên cứu thì cô bé là các tiên cô mà tên gọi được đặt theo các địa danh, đền thờ. Các cô bé thường là các bộ nàng trên toà Sơn trang hầu Mẫu Thượng ngàn. Có rất nhiều cô bé trên các cửa rừng lớn nhỏ. Cô bé thượng ngàn đền thờ chính của cô ở thị xã Lạng Sơn, và ngôi đền này nằm sát sông Kỳ Cùng, Cô bé suối ngàn ở Hữu Lũng, Cô bé Đông Cuông ở Yên bái, Cô bé chin miếu ở Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Cô bé Tân An ở Lào Cai v.v…”