Nhạc sĩ Kiên Ninh: Tôi đau đáu với những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - MV Người đi tìm hình của nước là tác phẩm mà các nghệ sĩ gửi gắm ở đó lòng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như niềm tự hào về truyền thống và lịch sử của dân tộc.

Đúng dịp kỉ niệm 112 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2023), nhạc sĩ Kiên Ninh cùng ê kíp cho ra mắt MV Người đi tìm hình của nước với sự hòa giọng của hai giọng ca NSND Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan. Ra đời sau tròn 60 năm bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên, MV Người đi tìm hình của nước là tác phẩm mà các nghệ sĩ gửi gắm ở đó lòng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như niềm tự hào về truyền thống và lịch sử của dân tộc.

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Tôi đau đáu với những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước - ảnh 1Nhạc sĩ Kiên Ninh trò chuyện cùng BTV VOV5
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
 
 

“Cũng như các nhạc sỹ khác, tôi cũng rất mong muốn trong kho tàng sáng tác của mình có những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để ra được tác phẩm ca khúc Người đi tìm hình của nước, tôi đã trăn trở trong vòng 3 năm. Những ca khúc viết về hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa nhiều lắm nên tôi nghĩ rằng đó có thể là một góc để mình có thể tìm ra một nét riêng, một điểm nhấn.

Trong quá trình chuyển thể từ một tác phẩm thơ sang một tác phẩm âm nhạc, tôi sử dụng chủ yếu các ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên, sau đó cấu tứ lại để dẫn dắt theo mạch câu chuyện, kể cho mọi người nghe về con đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ví dụ như tôi dùng chính câu đầu tiên của bài thơ để làm câu mở đầu cho ca khúc của mình: “Đất nước đẹp vô cùng như Bác phải ra đi”. Sau đó tôi cũng dùng những câu chính của bài thơ mà gợi lên nhiều cảm xúc như Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước... Tôi muốn rằng trong một tác phẩm thôi mà tái hiện được khá đầy đủ lý do vì sao Bác phải đi tìm đường cứu nước, và trong hành trình đó Người đã tìm thấy điều gì. Thông qua đó, tôi gửi gắm thêm những thông điệp của mình vào trong tác phẩm, ví dụ như con đường đi tìm đường cứu nước của Bác chính là con đường của Cách mạng vô sản dựa trên ánh sáng của lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó sẽ có ánh sáng của Đảng Cộng sản dẫn dắt soi đường.

Tôi đã dùng những câu như “Đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc” đó chính là con đường Cách mạng vô sản, là con đường mà Tổ quốc này, dân tộc này sẽ đi theo.

Hay như câu “Hình của Đảng lồng trong hình của nước” để nói lên lý tưởng và triết lý là ánh sáng của Đảng sẽ soi đường cho đất nước đi theo, cho Cách mạng vô sản. Mặc dù rất ngắn, trong vế 2 của điệp khúc, tôi nói đến cảm xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tìm thấy con đường cứu nước, chính là khi Bác đọc được bản Luận cương của Lê-nin. Thời khắc đấy rất nhiều cảm xúc. Câu thơ “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười” đã được tôi chuyển thành “Giờ phút Bác reo vui, giọt lệ Người rơi xuống”. Hay như câu “Theo dấu chân Người hình đất nước nở hoa” - một hình ảnh rất đẹp – Bác đã tìm được con đường để đất nước đi theo. Đó cũng là một thông điệp tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Các ca khúc được giới thiệu:
- Người đi tìm hình của nước, âm nhạc Kiên Ninh, phỏng thơ Chế Lan Viên, thể hiện: NSND Quốc Hưng và ca sỹ Đào Tố Loan
- Lá thư trong ba lô, sáng tác Kiên Ninh, thể hiện: NSND Quốc Hưng
- Việt Nam ơi ta bước tiếp, sáng tác Kiên Ninh, thể hiện: NSND Quốc Hưng
- Lặng lẽ mẹ tôi, Kiên Ninh sáng tác và thể hiện

Feedback