Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn là một người hoạt động âm nhạc trong ngành Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh. Gần bốn mươi năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong các vai trò là giảng viên âm nhạc, viết tài liệu và giáo trình phục vụ cho việc dạy học, sáng tác ca khúc, dàn dựng các chương trình văn nghệ cho học sinh, sinh viên và giáo viên, nghiên cứu về giáo dục âm nhạc trong nhà trường… ông đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Nhà giáo - nhạc sĩ Bùi Anh Tôn |
BTV Bảo Trang giới thiệu chùm ca khúc viết về nghề giáo của nhạc sĩ Bùi An Tôn, cũng là món quà nhỏ gửi tặng các thầy cô giáo nhân ngày hiến chương 20/11.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Ca khúc "Trái tim người thầy", cũng là tên của Tuyển tập ca khúc và tên của album mà nhà giáo – nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đã thực hiện để gửi đến các đồng nghiệp, các em học sinh và công chúng yêu nhạc.
Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn chia sẻ: "Trái tim người thầy" là ca khúc viết về nghề giáo mà tôi tâm đắc nhất. Tôi viết cho mọi người nhưng cũng là viết cho chính mình vậy. Vào những năm 2000, khi đó đã đi dạy học. Một lần đứng trước gương chải đầu để chuẩn bị lên lớp, tôi thấy mái tóc mình có những sợi bạc. Lúc đấy cũng chưa lớn tuổi lắm nhưng lại có những sợi tóc bạc… Và trong đầu tôi vang lên nét giai điệu đầu tiên là Mái tóc mỗi ngày thêm sợi bạc, sân trường in dấu chân mỗi ngày. Bài hát này sau đó được hoàn thành là tôi rất thích vì hình ảnh người thầy trong đó mang dáng dấp của chính bản thân tôi đối với nghề giáo, đối với sự nghiệp. Nhiều người cũng đồng cảm với ca khúc của tôi, điều đó là niềm hạnh phúc của người nhạc sĩ – nhà giáo như tôi".
Trong tuyển tập "Trái tim người thầy", nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đã viết về người thầy giáo làm công việc dạy chữ, dạy người ở những ngôi trường, các lớp học mà chưa có nhiều tác phẩm âm nhạc đề cập: Đó là hình ảnh những thầy giáo - công an làm công tác giáo dục ở các trường giáo dưỡng, người thầy giáo mang quân hàm xanh – những người lính biên phòng dạy chữ cho học sinh ở vùng cao, biên cương hải đảo. Đặc biệt, các thầy cô giáo dạy trẻ em ở các trường giáo dục chuyên biệt… Có thể nói nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đã khắc họa về hình ảnh người giáo viên ở mọi góc độ, với sự phong phú, đa dạng và giàu cảm xúc.
Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (nay là trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - Hà Nội) và đại học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM. Sáng tác những ca khúc đầu tiên khi đang tuổi sinh viên, bên cạnh các đề tài khác, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho mảng sáng tác ca khúc thiếu nhi cũng như các bài hát viết về thầy cô và mái trường.
Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn nhớ lại: "Ca khúc đầu tiên tôi viết về đề tài giáo dục là khi tôi đang còn ở trong quân ngũ, Tết năm 1984, tôi không về nhà và phải ở lại đơn vị. Trong lúc đọc báo, tôi bắt gặp bài thơ Hoa dạ hương của nhà thơ Hạnh Dung, tôi đã phổ nhạc bài thơ này. Khi ấy tôi mới tốt nghiệp ĐH sư phạm, đi nhập ngũ và chưa đi dạy. Nhưng cảm xúc và hình ảnh về công việc lặng thầm của một cô giáo đã để lại cho tôi những cảm xúc, làm tôi liên tưởng đến hình ảnh những thầy cô giáo mà mình đã gặp. Bài hát này viết ra rồi cứ để trong sổ tay, đến năm 2013 tôi mới thu âm ca khúc này. Ca khúc đầu tiên về nghề giáo, viết lúc 22 tuổi và chưa đi dạy ngày nào, nhưng có lẽ đó chính là cái duyên đối với nghề của tôi".
"Trong những sáng tác của tôi, sáng tác về đề tài thầy cô giáo là một trong những mảng đề tài mà tôi tâm huyết nhất, dành nhiều thời gian và có nhiều bài hát viết về đề tài này. Bản thân tôi làm nghề giáo, và gắn bó với lĩnh vực giáo dục trong thời gian dài. Năm nay là đúng 35 năm tôi đứng trên bục giảng. Có lẽ chính vì thực tế cảm xúc và những trải nghiệm nghề nghiệp nên tôi viết nhiều bài hát về đề tài giáo dục, dưới nhiều góc độ khác nhau".
Dường như nhà giáo - nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đã dành trọn tình cảm yêu quý, sự trân trọng của mình cho đội ngũ thầy cô giáo, những người đang theo nghề dạy học với bao công việc thầm lặng nhưng đầy vinh quang mà xã hội giao phó, đó là “ươm những mầm xanh cho tương lai của đất nước”.