Hà Tĩnh – vùng đất địa linh nhân kiệt gợi nhiều cảm xúc, nhiều ý tứ, ý tưởng sáng tạo cho các nhạc sỹ. Thật hiếm nơi nào mà mỗi bài ca cất lên lại nhận được nhiều đến thế sự đồng cảm của khán thính giả yêu nhạc. Qua âm nhạc, Hà Tĩnh và những địa danh Hà Tĩnh đã đi vào trong sự hiểu biết, sự yêu mến của bạn bè bốn phương một cách rất tự nhiên…
Núi Hồng Lĩnh được xem là “biểu tượng hồn thiêng sông núi” của xứ Nghệ |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà không người con Hà Tĩnh nào không thuộc. Người Hà Tĩnh trước kia, và cả bây giờ, cứ mặc nhiên nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người quê mình, vẫn tự hào nhận ông là "đồng hương". Họ yêu mến, kính trọng và hơn hết là vô cùng biết ơn ông, cảm động với cái nghĩa tình "gừng cay muối mặn" của người nhạc sĩ đã dành trọn tình cảm, tâm huyết để viết và kể một câu chuyện âm nhạc đắm đuối, ngọt ngào, day dứt về mảnh đất và con người xứ sở. Chắt chiu từ những điều giản dị, từ những hiểu biết về văn hóa, tinh thần, tính cách con người Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Tý đã hết sức khéo léo kể một câu chuyện dài bằng âm nhạc. Những núi Hồng, sông La cứ thế mà dựng, mà chảy, mà lắng sâu vào lòng người những thanh âm gần gũi, mộc mạc, chan chứa ân tình…
Ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ cũng là một sáng tác vô cùng được yêu mến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Một công trình thuỷ nông, qua góc nhìn tinh tế của người nhạc sỹ đã khái quát được tâm tình của người Hà Tĩnh, đã khắc họa được bản chất kiên gan, chịu thương chịu khó của người Hà Tĩnh. Bài hát khiến bất kỳ ai khi đến Hà Tĩnh cũng muốn được đến trước hồ Kẻ Gỗ, ngắm nhìn và lắng nghe trong sóng nước những ân tình trong câu hát thiết tha.
Hà Tĩnh có núi Hồng – sông Lam, với cảnh đẹp thơ mộng và kỳ vỹ đã trở thành mạch nguồn sáng tạo cho biết bao thi nhân mặc khách. Cũng trong mạch cảm xúc ấy, trong niềm tự hào và tình yêu quê hương thiết tha, sâu lắng mà nhà thơ Xuân Hoài và nhạc sỹ Quốc Việt, 2 thế hệ, 2 tâm hồn đã cùng chung những phút giây đồng điệu. Ca khúc Núi Hồng sông Lam với sự hòa quyện giữa âm nhạc và ca từ đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, kỳ diệu để mỗi khi giai điệu bài hát vang lên, mỗi một người con đang sống trên dải đất nắng gió này lại thấy yêu quê hơn. Với những người con xa xứ, quê hương như níu bước quay về và với những người chưa từng đến Hà Tĩnh lại có thêm ước muốn một ngày nào đó sẽ được đến với mảnh đất hữu tình, với núi Hồng, sông Lam.
Hà Tĩnh – nơi có nhiều khắc nghiệt với lũ lụt bão tố triền miên nhưng con người nơi đây lại thắm đượm nghĩa tình, sống nhân văn và chan chứa tình người, vừa mạnh mẽ vừa mềm mại, vừa quyết liệt vừa tình cảm. Có nhiều người, dù chưa đến nhưng đã yêu Hà Tĩnh qua những câu hát: “Sông La ngày về qua, nước xanh như xưa ấy, con đò xưa vẫn vậy, chở câu ví quê hương”, “Nếu không có sông Lam, núi Hồng buồn biết mấy, núi Hồng không đứng đó, sông Lam xanh cũng thừa”, “À ơi, trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La”… Và như trong ca khúc
Hà Tĩnh mình thương của nhạc sĩ An Thuyên: đi xa lại muốn về / khổ đau càng muốn về / để tình mẹ ấm êm / ôi thương biết bao nhiêu /Hà Tĩnh mình ơi!