Bảo tồn hò khoan Lệ Thủy

Chia sẻ
(VOV5) - Hò khoan Lệ Thủy đã được dân gian chắt lọc, trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng những mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc nghiêm ngặt không hề thay đổi.

Hò khoan Lệ Thủy gắn với cuộc sống tinh thần của người Lệ Thủy, Quảng Bình. Làn điệu hò khoan Lệ Thủy là làn điệu dân ca tâm tình có sức sống mạnh mẽ, cuốn hút lòng người, và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Người Lệ Thủy luôn trân trọng, gìn giữ, bảo tồn điệu hò như hơi thở cuộc sống.

Bảo tồn hò khoan Lệ Thủy  - ảnh 1Ngày 8/5/2017, Hò khoan Lệ Thủy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: VOV
Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Không biết ra đời từ bao giờ nhưng trong tâm hồn người dân Lệ Thủy luôn thấm đẫm điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Không chỉ là hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung.

Hò khoan là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, trong những lúc nông nhàn. Độc đáo ở hò khoan Lệ Thủy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thố thì mới dùng đến nhạc cụ như nhị, sao, trống... Còn thông thường, nhạc cụ trong hò khoan chỉ là những công cụ lao động như chày giã gạo, mỏ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà... Những công cụ lao động thô sơ này bắt nhịp tạo ra âm thanh mộc mạc, mến thương, gần gũi đời thường. 

Chị Đặng Thị Hới, người dân ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: "Hò khoan Lệ Thủy có 6 mái từ mái dài, mái chẻ, mái nện, mái ba, mái xắp và mái rỗi. Hò khoan Lệ Thủy chủ yếu xuất phát từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân Lệ Thủy cho nên nhạc cụ để hỗ trợ cho hò khoan cũng chính là những dụng cụ xuất phát từ các dụng cụ lao động".

Bảo tồn hò khoan Lệ Thủy  - ảnh 2Hò khoan là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, trong những lúc nông nhàn - Ảnh minh họa

Hò khoan Lệ Thủy có rất nhiều làn điệu mang nhiều cung bậc khác nhau. Tùy theo đặc trưng của mỗi vùng mà có một làn điệu mang bản sắc riêng, như: vùng núi có điệu Hò lỉa trâu; vùng sông nước, chiêm trũng có điệu hò mái xắp, hò mái dài, hò mái ruỗi, hò mái nện; vùng biển có hò khơi, hò nậu xăm… Mỗi làn điệu dài từ 1-2 phút. Ngày nay, nhiều bài hò khoan được sáng tạo lồng ghép vào các video clip về quê hương Lệ Thủy, khi đưa lên các nền tảng xã hội rất được công chúng yêu thích và chia sẻ.

Năm 2019, Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy được thành lập do nghệ nhân Hải Lý làm Chủ nhiệm. Sau đó, bà Hải Lý đi mời các nghệ nhân hò khoan cùng tham gia câu lạc bộ với mong muốn bảo tồn Hò khoan Lệ Thủy, truyền lại cho thế hệ mai sau. Hiện nay ở huyện Lệ Thủy thành lập nhiều câu lạc bộ hò khoan. Ðặc biệt, làn điệu dân ca này đưa vào giảng dạy trường học tại Lệ Thủy mang lại hiệu quả cao, trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ sâu rộng. Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Lệ Thủy tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên âm nhạc mà người truyền dạy là những nghệ nhân.

Bảo tồn hò khoan Lệ Thủy  - ảnh 3Nghệ nhân Hải Lý, người gắn bó tâm huyết với làn điệu Hò khoan Lệ Thủy - Ảnh: VOV

Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Lệ Thủy, cho biết: "Sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hò khoan Lệ Thủy, các nội dung liên quan đến triển khai trong trường học như “Chúng em với làn điệu hò khoan”. Các hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi được ngành giáo dục triển khai qua hàng năm, mang tính giáo dục truyền thống, không để Hò khoan Lệ Thủy mai một. Ở huyện có Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy bao gồm các nghệ nhân rất tâm huyết. Huyện xác định đây là nội dung để gắn kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch Lệ Thủy".

Hò khoan Lệ Thủy đã được dân gian chắt lọc, trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng những mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc nghiêm ngặt không hề thay đổi. Hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là Di sản văn phi vật thể cấp quốc gia, là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền và ngành văn hóa địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi.

Feedback