Thảo luận về các văn kiện Đại hội, nhiều đại biểu cho rằng, để biến khát vọng trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, có mức thu nhập cao, thì không thể duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây, mà phải dựa vào kinh tế tri thức, trên nền tảng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phải bắt kịp và thậm chí là đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Theo Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng, sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: dangcongsan.vn |
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu 4 giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp then chốt là làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu: "Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Viet Nam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm. “Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước. "
Đại biểu Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: dangcongsan.vn |
Với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”, đại biểu Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Đại biểu Lê Quang Mạnh, Bí thư thành ủy Cần Thơ khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
"Tập trung phát triển kinh tế biển từ kinh tế thủy sản nuôi trồng, đánh bắt, chế biến đến phát triển năng lượng sạch công nghiệp vận tải du lịch thương mại, dịch vụ đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, định hướng phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo được xem là một chiến lược nguy cơ thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững, khai thác, phát triển kinh tế biển, mở ra không gian phát triển mới cho đồng bằng sông Cửu Long cần được quan tâm đầu tư để đồng bằng sông Cửu Long thực sự hướng ra biển và giàu lên từ biển."
Một vấn đề nữa đặt ra là trong quá trình phát triển đất nước, làm sao phải vừa phát triển nhanh nhưng vừa phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở các vùng miền. Muốn vậy, phải tiếp tục có những quyết sách đủ mạnh, mang tính đột phá về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: "Địa phương đã phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó tạo nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi."