Gửi niềm tin và kỳ vọng tới quê nhà

Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Sự đổi thay và những bước phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập luôn là niềm tự hào của người Việt Nam ở nước ngoài. 

Hay nói một cách khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn mong, qua mỗi kỳ đại hội Đảng, đất nước có thêm động lực mới, định hướng mới, chính sách mới để bà con không chỉ hướng về mà góp sức mình vào tiến trình ấy.

Gửi niềm tin và kỳ vọng tới quê nhà - ảnh 1Ông Peter Nguyễn Đức Phượng

Ông Peter Nguyễn Đức Phượng sống ở thành phố San Diego thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ 45 năm qua. Kết nối với ông qua mạng trực tuyến, ông chia sẻ, hơn bốn thập kỷ ở Mỹ, năm nay là năm đầu tiên gia đình không có Tết chỉ vì đại dịch covid -19 đang lan tràn trong cộng đồng. Ông tha thiết muốn về quê hương để hưởng không khí Tết truyền thống ở quê nhà nhưng chắc là không được, vì không có chuyến bay thương mại. Cộng đồng người Việt ở thành phố nơi ông sống có khoảng 40.000 người. Tính về số lượng là đông nhưng vì dịch bệnh nên Tết rồi mọi người cũng chả được gặp gỡ, chúc mừng nhau:“Bây giờ như chỗ tôi, người ta rất sợ ra ngoài vì dịch lan tràn, hạn chế gặp nhau ở mức tối đa. Tôi cũng không được gặp gia đình, con cháu mình”.

Người Việt ở thành phố San Diago nói riêng và ở Mỹ nói chung cũng gặp rất nhiều khó khăn về đời sống do dịch bệnh gây ra. Bởi thế, một không gian Tết đầm ấm, an lành nơi quê hương Việt Nam là mong ước của nhiều người đang bị cách ly xã hội ở xứ người. Và với riêng ông Peter Nguyễn, hàng ngày luôn theo dõi theo những đổi thay ở quê nhà. Ông chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam phát triển một cách đồng bộ chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi tính từ ngày người Mỹ phá bỏ vòng vây cấm vận đến nay là 25 năm. Những tiến bộ của người Việt Nam, những thành quả những người Việt Nam gặt hái được, những thành công của đất nước thể hiện rõ ràng nhất ở sự phát triển kinh tế. Đó là nhờ Việt Nam mình có một guồng máy Nhà nước, chính quyền rất là rất giỏi, đội ngũ cán bộ rất tâm huyết, người dân kỷ luật và chăm chỉ làm việc”.

Gửi niềm tin và kỳ vọng tới quê nhà - ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ kiều bào nhân dịp Xuân về

Ông Hồ Ngọc Thắng ở Cộng hoà Liên bang Đức thì lại đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thể chế chính trị trong nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khi Đại hội đảng lần thứ XIII diễn ra. Sống ở một nước đa nguyên về chính trị, nên ông có góc nhìn thực tế về vấn đề nội tại của các nước này, nhất là khi có một số tổ chức chính trị, xã hội hay kêu gọi đa nguyên, đa đảng, hay đăng tải những thông tin không đúng về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông bày tỏ: “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng cần chế độ đa đảng ở Việt Nam. Bởi vì tôi cho rằng, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi khác nhau. Không thể theo các mô hình của phương Tây được. Người dân Việt Nam có quyền lựa chọn chế độ xã hội của mình. Hơn nữa, trong mấy thập kỷ qua qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước vượt qua bao nhiêu gian khó để giành được độc lập như hôm nay. Việt Nam chúng ta chỉ có một đảng nhưng là một đảng chân chính, một đảng của dân, vì dân lãnh đạo. Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, đời sống của người dân sẽ được nâng cao về mọi mặt”.

Gửi niềm tin và kỳ vọng tới quê nhà - ảnh 3Ông Hồ Ngọc Thắng trong chuyến thăm quần đảo Trường sa và Nhà giàn DK1

Ông Hồ Ngọc Thắng viện dẫn, lấy việc ứng phó với Đại dịch Covid - 19 làm ví dụ. Khi cả hệ thống chính trị của các nước phương Tây với một nguồn lực to lớn về kinh tế, y học, nhưng có thể nói, họ đã thất bại trong phòng dịch, chống dịch, để dịch lây lan tràn. Nguyên nhân vì họ quá quan tâm đến lợi ích kinh tế, của các tập đoàn tư bản, bởi thế, đã gây hậu quả nặng nề về nhân mạng của ngưiời dân: “Việt Nam thành công trong chống dịch và phát triển kinh tế là bằng chứng hùng hồn để nói rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ở một tầm cao mới. Điều đó khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi quyền lợi của người dân lên trên hết. Thời gian vừa qua, khi nhìn nhận về việc phòng, chống dịch của các nước châu Âu, thì tôi càng khẳng định việc ứng dụng nền dân chủ trong đời sống của họ như thế là không được như ý muốn”.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, từ thực tiễn của nước Mỹ, ông Peter Nguyễn cho rằng hệ thống chính trị của Việt Nam phải dựa trên nền tảng văn hoá của người Việt: “Tôi nhìn ông Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phong cách của một nhà giáo, nhưng điều hành một guồng máy chính quyền rất to lớn và rất mạnh mẽ, hiệu quả. Từ tình hình chuyển giao quyền lực ở Mỹ, nhìn về Việt Nam, thì Đảng cộng sản Việt Nam điều hành và lựa chọn nhân sự rất tài tình, văn minh. Từ khi đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến bây giờ được hơn 90 năm, trong nội bộ Đảng có phê bình nhau, phê phán nhau nhưng bao giờ cũng rất văn minh lịch sự”.

Gửi niềm tin và kỳ vọng tới quê nhà - ảnh 4Ông Hồ Ngọc Thắng cùng các đồng đôi thăm Thành cổ Quảng Trị

Hướng về đất nước những ngày này, nhất là Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII ra, ông Hồ Ngọc Thắng cho rằng: "“Tôi đã xem dự thảo văn kiện Đại hội Đảng từ văn kiện Đại hội Đảng. Tôi rất vui mừng khi biết rằng là với cái kế hoạch của Đảng, đến năm 35 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, đời sống người dân sẽ được nâng cao rõ rệt”. Còn ông Peter Nguyễn khoe thông tin về việc các doanh nghiệp  hàng đầu của Hoa Kỳ đang chọn Việt nam là điểm đến đầu tư. Ông cho rằng đây là động lực để thúc đẩy đất nước phát triển: “Gần đây nhất, mấy tuần trước, 11 cơ quan xí nghiệp của tập đoàn Apple vừa chọn về tỉnh Thanh Hóa đầu tư. Sự ổn định chính trị, an toàn với dịch bệnh đã tạo sự tin tưởng của những nhà kinh doanh lớn tới Việt Nam”.

Trong tâm thức của kiều bào, đất nước có phát triển, vị thế của kiều bào ở nước ngoài được nâng cao. Bởi thế, hướng về sự kiện chính trị đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là mong muốn tìm hiểu về đường hướng phát triển của đất nước và kỳ vọng được góp sức mình để xây dựng quê hương ngày càng hùng cường, giàu mạnh.

Feedback