Gian nan đường giành sự sống của hai phụ nữ đơn thân

Chia sẻ
(VOV5) - Hai số phận, hai con người, nay trên đầu đã hai thứ tóc, vẫn đang từng ngày, từng giờ bấu víu nhau để giành lấy sự sống.
(VOV5) - Hai số phận, hai con người, nay trên đầu đã hai thứ tóc, vẫn đang từng ngày, từng giờ bấu víu nhau để giành lấy sự sống.

Tôi tìm đến khoa Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong một buổi sáng đầu thu, màn sương vẫn còn vương mắc trên nền trời làm cho không khí thêm phần ảm đạm. Có đến nơi mới thấy, có nhìn mới hiểu cuộc hành trình "chạy trốn thần chết" của các bệnh nhân nghèo lên Hà Nội chữa trị còn lắm gian nan.


Trong góc nhỏ tại phòng hậu phẫu - khoa Tim mạch là chị Lê Thị Hằng (SN 1965, xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và chị gái lên thăm nuôi, không chồng con, gần hai tháng nay bấu víu, bao bọc nhau mà giành lấy sự sống.


Gian nan đường giành sự sống của hai phụ nữ đơn thân  - ảnh 1
Hơn 30 năm, chị Hằng gắn với giường bệnh.

 

Hơn 30 năm sống chung với bệnh hiểm nghèo

Chị Huệ - cán bộ hành chính của bệnh viện thở dài: “Gia cảnh của chị Hằng quá khổ. Nhà thuộc diện cận nghèo, khó khăn lắm. Từ ngày bệnh nhân nhập viện cho đến nay, chỉ thấy có bà chị gái đầu hai thứ tóc đến chăm nuôi cô em gái”.

Ca phẫu thuật mổ tim cho chị Hằng đã thành công cách đây 5 ngày. Nằm trên giường bệnh, gương mặt đen sạm khắc khổ đầy vẻ mệt mỏi lúc nào cũng như trực khóc, phía trên đầu, chai nước truyền đã truyền được già nửa, chị Hằng nửa nằm nửa ngồi tiếp chúng tôi. Câu chuyện thỉnh thoảng lại phải dừng lại bởi  chị còn yếu, cơ thể phải đang dần làm quen với cái van tim mới.

Chị Hằng chưa từng nghĩ tới hạnh phúc riêng, bởi chị ý thức bản thân ốm yếu quanh năm, lại bị bệnh tim nên không muốn làm gánh nặng cho người khác. Hơn 30 năm, từng ngày từng giờ, chị vừa chống chọi với bệnh tật, vừa vất vả đủ đường lo tiền thuốc men.

Ngay từ nhỏ, cơ thể vốn đã yếu lại gặp nhiều chứng bệnh, khiến mặt mũi chị lúc nào cũng trông xanh lét. Học hết lớp 4, do sức khỏe yếu, không theo kịp được chương trình học, chị đành nghỉ học ở nhà 2 năm. Sức khỏe ổn định hơn, chị lại đến trường.

Năm 14 tuổi, các khớp ở dưới cổ chân bỗng nhiên sưng to, tấy đỏ và đau đớn khiến chị đi lại rất khó khăn. Những cơn đau cứ triền miên vẫn cứ hành hạ chị mỗi ngày. Nhiều hôm trở trời, các khớp sưng to, không đi được, chị đành bất lực ngồi khóc nhìn chúng bạn nô đùa, ríu rít chạy nhảy ngoài đường.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, gia đình tìm đến bệnh viện để chữa trị, mua thuốc về uống, mong bệnh tình được thuyên giảm. Ai biết chỗ nào khám tốt, gia đình đều đi cả. Để có tiền mua thuốc, đồ đạc trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”.

“Lúc đó, nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ làm nông, 4 miệng ăn trông chờ vào mấy sào ruộng, bữa ăn không đủ, lấy tiền đâu mua thuốc. Có một ít tiền, lại lên viện lấy thuốc rồi về, chứ cũng không dám nằm viện. Hết tiền thì hết lấy thuốc, đành “nghỉ ngơi” ở nhà”.

Dần dần, những tiếng thở của chị cứ phì phò, khò khè cả ngày. Môi tím tái, những cơn đau ở ngực cứ thường xuyên hành hạ. “Có người trong làng khi thấy dấu hiệu của tôi liền bảo tôi bị bệnh tim, “khớp đớp tim” mà, phải lên bệnh viện trên tỉnh mà khám! Ban đầu tôi chẳng tin, cứ nghĩ người làng ác miệng…”- chị Hằng kể tiếp.

Sau này, khi đã lớn dần, bệnh tình trầm trọng khiến chị đau ốm triền miên, học hết lớp 10 lại đành phải nghỉ để chăm sóc sức khỏe. Một năm sau, chị lại đến trường học hết cấp 3.

Học hết cấp 3, nhìn bố mẹ mưa nắng nhặt nhạnh từng đồng, không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, chị xin đi dạy trẻ ở trường mầm non xã Hải Cường. “Khi ấy, đồng tiền giá trị thấp lắm, làm 6 tháng, lương chỉ bằng 1 tạ thóc. Lương được mấy đồng thì vào tiền thuốc thang hết rồi, cô ạ!”, chị Nụ, chị của chị Hằng thở dài.

Gần 1 năm trở lại đây, bệnh tình càng lúc càng nặng thêm, không thể tiếp tục công tác, chị đành bỏ dạy, để đi chữa bệnh.

Đầu tháng 9/2011, bán được mấy tạ lúa, hai chị em lại dắt díu nhau lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám. Kết quả khám của các bác sỹ chẩn đoán: chị bị hẹp hở van hai lá, suy nhĩ loạn nhịp hoàn toàn, tăng áp động mạch phổi mức độ vừa, suy tim độ 2.

 

Gian nan đường giành sự sống của hai phụ nữ đơn thân  - ảnh 2

Chị Nụ (chị gái Hằng) lo lắng khi nghĩ tới chi phí mổ tim của em gái.


Các bác sĩ khuyên, cần phải phẫu thuật, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hai chị em suy sụp hẳn khi nhận được kết quả này, biết chắc để thực hiện ca mổ tim phải mất gần trăm triệu đồng. Chị Nụ rụng rời chân tay, buồn rầu khóc nức nở: “Mặc dù có bảo hiểm hỗ trợ được phần nào, nhưng cũng phải mất gần bốn chục triệu đồng, còn chưa kể các khoản sinh hoạt khác. Vài trăm nghìn trong nhà cũng chưa bao giờ có sẵn, chứ lấy đâu ra vài chục triệu đồng đây. Gia cảnh nhà quá nghèo khổ, biết lấy tiền đâu để mổ tim cho em đây?”.

Nhọc nhằn giành sự sống cho em

“Còn nước còn tát”, không đành lòng vì không có tiền mà em gái buộc phải chết khiến chị Nụ càng quyết tâm chạy vạy, vay mượn bà con lối xóm, anh em xa gần để chữa trị bệnh, còn “tương lai thế nào thì tính sau”.

“Cái gì bán được tôi đã bán hết rồi. Nguồn sống của gia đình giờ đây trông chờ vào mấy tạ thóc từ 4 sào ruộng cho người trong làng thuê lại. Gần 50 tuổi đầu, không giúp được bố mẹ ngày nào, giờ tôi lại thành gánh nặng của ông bà”, nói đến đây, nước mắt chị Hằng trào ra.

Nói về chị gái của mình, chị Hằng không khỏi xót xa kể: Trước kia chị từng lấy chồng, nhưng rồi chính người đầu gối tay ấp của chị đã phản bội chị. Đứa con gái chưa kịp nhìn thấy hình hài cũng đã bỏ chị Nụ mà đi. Nhìn cảnh em gái bất hạnh đau yếu, cũng không chồng con, chị Nụ quyết ở vậy để nuôi em, để bố mẹ đỡ khổ.

Để có tiền lo cho em, chị Nụ đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Hơn 1 năm nay chị ra Hà Nội giúp việc cho một gia đình ở quận Thanh Xuân, lương tháng được 2,5 triệu đồng. Hàng tháng chị vẫn đi đi về về Hà Nội – Nam Định để thăm nuôi em. Gần đây, do sức khỏe chị Hằng quá yếu, phải phẫu thuật tim, cần phải chăm sóc thường xuyên, nên chị Nụ đã xin nghỉ làm, để lo cho em.

TS Hoàng Quốc Toàn – Phó Viện trưởng – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người trực tiếp phẫu thuật cho chị Hằng bảo: Ông cũng không đành lòng nhìn thấy cảnh bệnh nhân vì không có tiền chạy chữa mà lực bất tòng tâm trước bệnh tật, nhưng lấy đâu ra khoản tiền đó để sửa chữa toàn bộ quả tim, đồng thời thay van hai lá sinh học cho chị Hằng? Còn nhiều bệnh nhân cũng khó khăn như chị Hằng, nhưng bệnh viện không làm ra được của cải, chỉ có tri thức, bàn tay và sự quyết tâm để cứu người! Chỉ còn cách kêu gọi các nhà hảo tâm.

Bác sĩ Toàn trăn trở: “Chúng tôi chẳng mong muốn gì hơn, chỉ mong bảo hiểm toàn dân được đến với tất cả bà con, để những người nghèo như gia đình chị Hằng được hỗ trợ được phần nào, cuộc sống đỡ khổ hơn”.

Hiện, ca phẫu thuật tim cho chị Hằng đã thành công, sức khỏe của chị đã có những tiến triển tốt, nhưng vẫn cần sự theo dõi của bác sĩ.

Chào chị để ra về, đi đến cửa, chị Nụ bịn rịn. Chị nhìn xa xăm, buồn rầu: “Phía trước còn xa xăm, mịt mù lắm cô ạ!. Tôi chỉ biết ôm lấy chị để chị vững tin hơn.

Sự sống của chị Hằng, ước mơ em gái được sống để chị em nương nhờ nhau lúc tuổi già của người chị của chị Hằng phụ thuộc rất nhiều vào sự sẻ chia của các tấm lòng nhân ái gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Chị Lê Thị Hằng – xóm 1 – xã Hải Cuờng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0934 692 425

Tài khoản VNĐ tại NN Agribank

Tên TK: Lê Thị Hằng

Số TK: 320 921 500 7194
Số Chứng minh thư nhân dân: 161362663

 Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – chi nhánh Thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định.



Theo Kim Anh/ VOV online

Feedback